Các đội tuyển Thể thao Quốc gia Hà Nội được giáo dục về tình yêu thương và trách nhiệm với xã hội

Sáng 5/4, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cho các huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia về tình yêu thương cha mẹ, thầy cô và trách nhiệm với xã hội". Đây là một buổi sinh hoạt rất đặc biệt bởi lãnh đạo Trung tâm mời Đại đức Thích Nhuận Thanh đến giảng dạy. Gần 600 vận động viên, huấn luyện viên của hơn 20 đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia đã tham gia buổi sinh hoạt ý nghĩa này.

Trong bài giảng của mình, Đại đức Thích Nhuận Thanh đã đề cập đến những nội dung như sức khỏe là vốn quý của con người. Các vận động viên là những người có sức khỏe tốt đó là may mắn khi sinh ra trong cuộc đời này nên hãy siêng năng tập luyện để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Các vận động viên hãy luôn biết ơn thầy cô, những người đã dạy dỗ cho mình và luôn nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Nếu trong con người lòng từ bi xuất hiện thì các hận thù sẽ tan biến.

anh-2-1712316397.jpg
Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, huấn luyện viên Trần Thị Vui và vận động viên Nguyễn Thị Oanh cùng cất tiếng hát

Các bài giảng của thầy đã giúp cho các huấn luyện viên, vận động viên hiểu được đạo hiếu phải đặt lên hàng đầu. Xen kẽ với các bài giảng, thầy đã gửi tặng các vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển những bài hát rất hay về phật giáo, về cha, về mẹ... Đáp lại tình cảm đó, huấn luyện viên đội tuyển cầu mây nữ Trần Thị Vui , vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh và Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng cất tiếng hát tạo nên không khí của buổi sinh hoạt vô cùng ấm cúng.

Đại đức Thích Nhuận Thanh cho biết, dù là vận động viên, huấn luyện viên hay bất cứ ai trong cuộc sống phải đặt chữ hiếu đứng đầu. Về nhà hãy hiếu thảo với cha mẹ. Nếu đã là người con hiếu thảo thì chắc chắn sẽ là người công dân tốt của đất nước Việt Nam. Đối với các vận động viên, các em là người đi sau, noi gương người đi trước, dù khó thế nào đi nữa cũng phải kiên trì, nỗ lực để đạt được những thành tích tốt. Bên cạnh đó, phải biết ơn những người đã dày công rèn luyện mình đó là những điều quan trọng nhất. Vấn đề đền ơn và đáp ơn là điều cần thiết nhất cho mỗi người trong cuộc sống.

anh-1-1712316441.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Lâu nay, chúng ta quá chú trọng công tác huấn luyện về chuyên môn cho các vận động viên mà chưa đẩy mạnh việc giáo dục về đạo đức, tư tưởng cho các huấn luyện viên, vận động viên. Chính vì thế, trong những năm gần đây, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên đề giáo dục các huấn luyện viên, vận động viên về đạo đức, tư tưởng chính trị. Đối với các vận động viên tuyển quốc gia tập luyện trong một môi trường hết sức căng thẳng. Sự nỗ lực cơ bắp và hệ thần kinh trên 100% sức của mình. Bởi vậy, cường độ lao động của họ rất đặc thù, ảnh hưởng đến tâm lý của họ rất nhiều. Các vận động viên nếu không được giáo dục nhân cách, đạo đức thường xuyên rất dễ chệnh hướng. Chính vì vậy mà Trung tâm đã mời rất nhiều giảng viên đến từ các trường Đại học để giảng các buổi sinh hoạt chuyên đề. Song lần này, Trung tâm mời sư thầy Thích Nhuận Thanh - trụ trì chùa Khánh Vân (Lâm Đồng) là Đại đức rất có nhân cách. Đặc biệt, ngoài giáo dục đạo đức và nhân cách ra, thầy còn có khả năng ca hát những bài hát về phật giáo, về cha, về mẹ, tình cảm yêu thương đối với con người. Đó là duyên lành đối với Trung tâm”.

Có thể nói, qua buổi sinh hoạt chuyên đề hôm nay, ngoài những bài giảng còn thông qua những bài ca, tiếng hát sẽ dễ tiếp thu. Những bài giảng của sư thầy sẽ giúp cho các em giác ngộ, có điểm tựa, có phong cách sống đi đúng hướng, vừa hoàn thiện về chuyên môn, vừa hoàn thiện đạo đức sẽ tiến bộ xa hơn. Gia đình là căn bản, nhà trường là dạy về văn hóa, các thầy giáo huấn luyện về thể thao là huấn luyện về thể chất. Bên cạnh đó nếu được giáo dục về đạo đức như Đức Phật dạy sẽ giáo dục con người hoàn thiện nhân cách, sống có đức độ, “chân - thiện - mỹ” góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Mai Anh