Tìm những giải pháp tối ưu nhất để xây dựng hoàn thiện Luật Điện ảnh 

Tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào chiều ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, giao nhiệm vụ cho cơ quan soạn thảo tham mưu với Chính phủ hoàn thiện từng bước và trình Quốc hội đóng góp ý kiến để Cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục tiếp thu, báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ ba. Vì vậy, trong phiên thảo luận ở Tổ cũng như Phiên thảo luận tại Hội trường cho thấy, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đều mong muốn là phải tìm được những giải pháp tối ưu nhất để xây dựng hoàn thiện Luật Điện ảnh nhằm thực hiện được những nội dung cốt lõi mà Chủ tịch Quốc hội đã đề ra về 2 trụ cột: Điện ảnh không chỉ là ngành Văn hóa nghệ thuật mà còn là một trong những nhóm ngành kinh tế.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, trong quá trình chuẩn bị cho dự án Luật, cơ quan soạn thảo và Chính phủ thường xuyên nhận được ý kiến chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, mà trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội khi phân tích về 2 trụ cột trên. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng dành thời gian vào việc thẩm định sơ bộ, thẩm tra dự án Luật để trình Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Sự quan tâm này không chỉ là sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội mà còn là sự chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ với mong muốn có được một bộ luật đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển ngành Điện ảnh.

Cơ quan soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm các nước có nền Điện ảnh phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, từ năm 1923, ngành Điện ảnh Việt Nam bắt đầu hình thành. Trong mỗi giai đoạn lịch sử có sự phát triển khác nhau, ngành Điện ảnh đã hoàn thành được trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của mình. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Điện ảnh Việt Nam cũng phải vươn lên để thực hiện được những trách nhiệm của mình như 2 trụ cốt mà Quốc hội đang mong muốn. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị, Cơ quan soạn thảo dự án Luật cũng đã nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền Điện ảnh phát triển để lựa chọn những vấn đề phù hợp, tham khảo theo hướng tiếp thu có chọn lọc để có thể đưa vào trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó, chưa thể đáp ứng ngay được như kỳ vọng nên rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ.

80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, với quá trình hội nhập với quốc tế sâu rộng nên hiện nay, 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động, vì nhiều phim do các hãng chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, Việt Nam chỉ giữ được 20% thị phần này.

Hiện nay, ngành Điện ảnh đang thiếu nguồn lực, trong đó thiếu chính sách tài chính, con người, phim trường… Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị định như vấn đề hợp tác công tư để thu hút đầu tư dành cho ngành Điện ảnh, nhưng không phải là chúng ta sớm có được nguồn lực để đầu tư. Đứng trước áp lực như vậy, đòi hỏi Việt Nam phải vừa hoàn thiện các chính sách, vừa tìm kiếm các nguồn lực. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu, hoàn chỉnh trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3.

Nhóm vấn đề tập trung thảo luận

Thứ nhất: Về chính sách chung cho Điện ảnh: Tại dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã đề xuất ở Điều 5 và Điều 6 về chính sách này. Điều 5 đề cập chính sách dành cho ngành Văn hóa nghệ thuật. Điều 6 đề cập vấn đề về lĩnh vực kinh tế, đó là công nghiệp Điện ảnh. Trong 2 điều này đã thể hiện được đâu là chính sách mà Nhà nước cần phải hướng đến. Đó là đầu tư sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị như phát hành, phổ biến phim phục vụ cho vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số nên cần đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, trong bối cảnh công nghệ số cho ngành Điện ảnh cũng cần được quan tâm hơn.

Về chính sách trong công nghiệp điện ảnh, dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh; phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với sản phẩm, dịch vụ và du lịch và những biện pháp khuyến khích về mặt pháp lý, khuyến khích phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; xây dựng hệ thống dữ liệu và thúc đẩy các vấn đề phát triển. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư và tạo môi trường bình đẳng để tất cả mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện ảnh.

Đối với chính sách trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng xin được tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Thứ hai: Về thẩm quyền cấp phép và phân loại phim. Đây là những ý kiến mà các đại biểu phát biểu khá nhiều. Theo quy định tại dự thảo Luật, việc thẩm định và cấp phép cho các loại phim do cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân các tỉnh thực hiện. Vì vậy, trong dự án Luật cũng kế thừa những nội dung của Luật Điện ảnh hiện hành để xác định việc cấp phép và phân loại phim.

Không có thẩm định thì không kiểm soát được tính chính xác của phim so với thực tế lịch sử của Việt Nam

Trong phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị là bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực hiện đang xảy ra một vấn đề là thời gian qua có hãng phim liên kết, liên doanh với nước ngoài không tuân thủ và vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các phim hợp tác với nước ngoài thường sau đó lại không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được tính chính xác của phim so với thực tế lịch sử của Việt Nam. Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Thứ ba: Về phân loại phim. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải có sự kết hợp về việc phân loại phim. Các cơ quan phát hành phim phải chịu trách nhiệm phân loại và sản xuất phim. Theo đó, các cơ quan phát hành phim phải chịu trách nhiệm cung cấp các nội dung thiết kế theo hướng hậu kiểm trước và sau đó xem xét để phổ biến phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, đây là việc làm rất khó bởi trong thực tiễn, Việt Nam mới kiểm soát được phần âm thanh, còn toàn bộ phần hình ảnh, chúng ta chưa có đủ công nghệ để kiểm soát, để không bị lọt những bộ phim có những nội dung không đúng với Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật.

Về sản xuất phim theo ngân sách của Nhà nước đặt hàng và gắn với Quỹ, có nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên tổ chức đấu thầu. Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xem xét và cân nhắc. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi thực hiện đấu thầu thì hầu như là không có đơn vị nào đấu thầu. Vì vậy, Bộ mong muốn Quốc hội xem xét để có những giải pháp hiệu quả hơn về vấn đề này.

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ở nhiều quốc gia có nền Điện ảnh phát triển đều áp dụng xây dựng Quỹ này. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thì mới có điều kiện để hỗ trợ các đối tượng hưởng Quỹ.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ tinh thần tiếp thu sâu sắc các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để cùng với Cơ quan thẩm tra nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ ba.

PT