Tham luận của Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ VHTTDL

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thay mặt Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách đã trình bày tham luận về vai trò của tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong điều kiện dịch bệnh. Thethaovietnamplus.vn đăng toàn văn bài tham luận này.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Bộ, quý vị đại biểu

Thưa toàn thể Hội nghị

Theo sự phân công và được phép của Ban Tổ chức Hội nghị, tôi xin thay mặt Tổng cục TDTT trình bày tham luận về một số vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của nhân dân. Đó là vai trò của “Tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe trong điều kiện dịch bệnh”.

Kính thưa toàn thể Hội nghị, trong điều kiện và thời gian có hạn, chúng tôi không đi sâu vào phân tích về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cũng như vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của tập luyện TDTT, mà chỉ có ý nêu vấn đề cũng như bàn luận làm rõ thêm một số nội dung như chúng tôi đã đặt vấn đề ở trên, đó là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, làm thế nào để tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, nhất là những bệnh mang tính lây nhiễm cao. Vì vậy, vấn đề sức khỏe vấn là đề tài nóng, thu hút được sự quan tâm đặc biệt.

Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Cân cường thì quốc thịnh” và Bác nói “Tự tôi ngày nào cũng tập”. Đây thực sự là hệ tư tưởng lớn, xuyên suốt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mỗi con người và mỗi quốc gia, dân tộc.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua ngành TDTT đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng có tính hệ thống, thực tiễn và khỏe học đề cao vai trò của sức khỏe, nâng cao thể lực tầm vóc, duy trì lối sống lành mạnh và phòng chống bệnh tật. Theo đó, thường xuyên đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong tất cả tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy sức khỏe cộng đồng vẫn chưa đạt được như mong muốn, còn bộc lộ những thiếu sót, hạn chế. Và thực tế cuộc sống xã hội cho thấy, chúng ta còn có quá nhiều nhà thuốc, bệnh viên trong các khu dân cư hoặc sát khu dân cư. Cũng như thói quen và nếp nghĩ của mỗi người dân rất bình dị là: Nhà phải gần đường, gần trường, gần chợ và gần bệnh viện. Suy nghĩ giản dị đó có còn đúng trong giai đoạn hiện nay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức, suy nghĩ, quan điểm và cách thức thực hiện của mỗi người trong một xã hội ngày càng phát triển và khoa học công nghệ và hiện đại như ngày nay?

Vấn đề đặt ra ở đây là: con người cần phải có sức khỏe để duy trì, nâng cao thể lực, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần phải thực hiện khẩu hiệu “Đẩy xa nhà thuốc và bệnh viện ra khỏi khu dân cư” như các quốc gia phát triển đã làm trong thời gian vừa qua. Muốn vậy, mỗi người phải tập luyện TDTT một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống.

Trong mỗi chúng ta không ai nghĩ và hình dung được đến một ngày nào đó xã hội phải thực hiện cách ly, phong tỏa toàn diện như giai đoạn dịch bệnh COVID vừa qua cũng như một số địa phương, cụm dân cư như hiện nay. Vì vậy, đây là một vấn đề rất cần phải có giải pháp khi các cơ sở tập luyện, nhất là cơ sở tập luyện cộng đồng bị đóng cửa.

Trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, mỗi người vẫn phải tập luyện để duy trì, nâng cao sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cơ thể phòng chống bệnh tật nhất là những bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan nhanh, rộng và phải coi tập luyện TDTT hàng ngày, kết hợp với lối sống sinh hoạt đúng, lành mạnh là phương thuốc sống khỏe, kéo dài tuổi thọ và được ví như “Thức ăn, nước uống hàng ngày”.

Vì vậy, cần lựa chọn phương pháp, hình thức, cách thức tập luyện như thế nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, không gian, thời gian, lối sống vừa đảm bảo hoạt động sống, sinh hoạt trong gia đình mà vẫn có điều kiện để tập luyện nâng cao sức khỏe.

Trong điều kiện dịch bệnh phải cách ly, phong tỏa chủ yếu tập luyện tại nhà, vì thế sẽ khó đáp ứng được các điều kiện như tại các cơ sở tập luyện (nhất là trang thiết bị, dụng cụ tập luyện). Do vậy, về chuyên môn chúng tôi khuyến cáo cần tuân thủ một số nội dung sau:

1. Lựa chọn một số hình thức tập luyện phù hợp nhất với phương châm đơn giản, dễ tập, dễ nhớ và ít tốn kém nhất.

2. Hệ thống bài tập cần tuân thủ nguyên tắc vừa sức (khối lượng - số lần lặp lại bài tập, động tác; mật độ - thời gian giãn cách giữa lượt tập; cường độ - tốc độ thực hiện động tác).

3. Về phương pháp nên thực hiện phương pháp lặp lại các động tác hoặc bài tập và số lần lặ lại vừa đủ để kích hoạt hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động.

Cuối cùng, cần tuân thủ thông điệp về sức khỏe, đó là: “Có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt”.

Thông điệp này đồng nghĩa với việc “trong bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải tập luyện TDTT để có sức khỏe.

Xin trân trọng cảm ơn Hội nghị!