GS.TS Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao:

"Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 cần đặt ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể"

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương, thành tích của Thể thao Việt Nam đã có sự tiến bộ và được thể hiện bằng kết quả đạt được tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), các kỳ Đại hội Thể thao trẻ, giải vô địch Thể thao quốc tế. Mặc dù, Thể thao Việt Nam đã có bước tiến và sự tiến bộ về thành tích, song kết quả của chúng ta ở những kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) còn khiêm tốn, có dấu hiệu tụt hậu trước nhiều nền thể thao mạnh của châu lục và thế giới.

a-2-1743865561.jpg
GS.TS. Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - phát biểu tham luận tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046

Trong thời gian, qua các quốc gia có tiềm năng đều đầu tư rất mạnh và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đua tranh về thành tích. Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ, các quốc gia này còn kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trang thiết bị cơ sở vật chất cho vận động viên nhằm đua tranh thành tích. Ở châu Á, thậm chí trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã có bước phát triển về thành tích thi đấu thể thao, đổi mới cách làm thể thao thành tích cao, tăng cường về tài chính đi cùng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp.

Trên tương quan đó, Thể thao Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản, có tính đột phá mạnh mẽ làm tiền đề nâng cao thành tích. “Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026- 2046” được xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu trên. Đồng thời, Chương trình góp phần cụ thể hóa Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/10/2024, mục tiêu đặt ra với thể thao thành tích cao Việt Nam là phấn đấu đạt từ 5 đến 7 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic.

Đây là thách thức lớn đòi hỏi Thể thao Việt Nam phải phát triển đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là xác định và đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm.

a-1-1743865561.jpg
Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 đã diễn ra tại Hà Nội

Là nhà khoa học đầu ngành, GS.TS Lâm Quang Thành (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao) nhấn mạnh, Chiến lược 2030 đặt ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là: "Khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới, góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic". 

Góp ý tại “Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046”, GS.TS Lâm Quang Thành cho rằng, căn cứ vào 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp trong Chiến lược phát triển Thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể thấy các giải pháp cụ thể như sau: Nghiên cứu phát triển lực lượng vận động viên các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự Olympic, ASIAD; Ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đầu tư nguồn lực phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026- 2046, trong đó có đầu tư tài chính, đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật thể thao và phát triển nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD và đẩy mạnh kinh tế thể thao.

a-4-1743865560.webp
Các thành viên đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam trên bục nhận huy chương vàng ASIAD 19

Ông Lâm Quang Thành chỉ rõ tầm quan trọng của ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo ông Thành, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thể thao thành tích cao là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp trong phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng vận động viên đỉnh cao của các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic, ASIAD, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.

Ông Lâm Quang Thành cũng đề xuất nên chia các môn trọng điểm ra làm 3 nhóm thay vì 2 nhóm như hiện nay. Trong đó, riêng nhóm 1 chỉ có khoảng 3-4 môn và cần được coi như môn thể thao quốc gia, có thể tranh chấp huy chương Olympic, với mức đầu tư khác biệt hẳn so với nhóm còn lại.

Giải pháp này đặt ra việc phải nghiên cứu chọn lựa môn thể thao, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên... Nghiên cứu phát triển (Research and Development - R&D) được xem là hoạt động thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo. R&D được sử dụng trong xây dựng các chương trình, nhiệm vụ gắn với yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các môn thể thao. Trong Chương trình (dự thảo) do Cục Thể dục thể thao Việt Nam xây dựng, Quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm.  

Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thể thao thành tích cao là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp trong phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng vận động viên đỉnh cao của các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic, ASIAD; qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.  

a-3-1743865560.webp
Karate mang về tấm huy chương vàng thứ ba cho Việt Nam ở ASIAD 19

Ông cũng nhấn mạnh các Giải pháp khoa học về chuyên môn; Giải pháp khoa học về y sinh học; Giải giải pháp khoa học về tâm lý - giáo dục; Giải pháp khoa học về hồi phục; Giải pháp khoa học về dinh dưỡng; Giải pháp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD... 

Thực hiện các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng vận động viên thể thao đỉnh cao luôn gắn liền và không thể thiếu 2 lĩnh vực: “Giám định khoa học đối với vận động viên" và "Phòng chống sử dụng doping trong thể thao”.

Các giải pháp của các chuyên gia đều có cái lý của mình, đặc biệt khi sự đầu tư cho Thể thao Việt Nam từ nguồn ngân sách còn hạn chế trong khi nguồn lực xã hội hóa cũng tương tự. Trong khi thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD, Olympic không phải là thành công của riêng ngành Thể thao mà còn là vị thế quốc gia trên đấu trường quốc tế, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, là động lực thúc đẩy phát triển Thể dục thể thao nước nhà vì thế cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đạt được hiệu quả tốt nhất cho thể thao nước nhà. 

Mỹ Hạnh