
Thể thao Quân đội ghi dấu ấn qua bảng vàng thành tích
Từ một đội công tác thể dục thể thao (gọi tắt là đội Thể Công) gồm 23 đồng chí có nhiệm vụ tổ chức hoạt động với 3 bộ môn (Bóng đá, Bóng rổ và Bóng chuyền), trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, thể thao thành tích cao Quân đội đã phát triển, không ngừng lớn mạnh.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dù điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Thể Công đã chủ động, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền mang danh hiệu Thể Công đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia; đặc biệt là đội bóng đá Thể Công trước đây từng là đại diện hình ảnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam và quốc gia tham gia thi đấu, đạt được nhiều thành tích cao trong các giải quốc tế, là lực lượng nòng cốt của đội tuyển bóng đá quốc gia và một thời là tượng đài thể thao trong lòng người hâm mộ cả nước... Những thế hệ vận động viên tiêu biểu cho giai đoạn trước của Thể thao Quân đội như: Xạ thủ Trần Oanh (huy chương vàng SKDA năm 1958 tại Đức); những danh thủ Nguyễn Bính, Thế Anh, Trọng Giáp (Bóng đá)...
Hiện nay, toàn quân có 11 đơn vị thể thao thành tích cao tổ chức tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và tham gia thi đấu 30 môn thể thao trong hệ thống các giải quốc gia; đóng góp nhiều thế hệ huấn luyện viên, vận động viên có trình độ chuyên môn cao, thành tích thi đấu tốt cho các đội tuyển quốc gia thi đấu trong khu vực, châu lục và trên thế giới. Tiêu biểu có xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (huy chương vàng, huy chương bạc Olympic 2016); cặp chị em võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan và Nguyễn Thị Diệu Ly (Karate); Nguyễn Văn Lai, Bùi Thị Nguyên, Bùi Văn Sự, Nguyễn Tiến Trọng, Nguyễn Linh Na (Điền kinh); Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Hưng Nguyên, Thúy Hiền (Bơi); Hà Minh Thành, Phí Thanh Thảo (Bắn súng)... đạt nhiều thành tích cao tại các giải quốc tế trong những năm gần đây.
Từ năm 2020 đến năm 2024, lực lượng Thể thao Quân đội đã tham gia thi đấu 512 giải trong nước và quốc tế, giành 7.393 huy chương các loại, phá 135 kỷ lục, nhiều vận động viên, huấn luyện viên được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tuyên dương, khen thưởng.

Tiếp tục phát huy vai trò của Thể thao Quân đội trong đào tạo vận động viên đỉnh cao
Theo Đại tá Nghiêm Tấn Hùng - Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cục Quân huấn - Nhà trường để phát huy vai trò thể thao Quân đội trong đào tạo vận động viên đỉnh cao và đóng góp vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam tại Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, thể thao thành tích cao Quân đội xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Mở rộng địa bàn chọn tuyển, vệ tinh tuyển chọn vận động viên, nhất là các địa phương có truyền thống, thế mạnh về khả năng phát triển các môn thể thao theo yêu cầu; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và thi đấu.
- Tập trung củng cố, kiện toàn lực lượng huấn luyện viên, vận động viên có chất lượng, chú trọng phát triển nguồn vận động viên kế cận các tuyến. Kiểm tra, đánh giá vận động viên năng khiếu chặt chẽ, khoa học, dự báo sát khả năng phát triển để xây dựng kế hoạch huấn luyện, đào tạo hiệu quả; phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao các liên đoàn, hiệp hội… thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, huấn luyện viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
- Tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp huấn luyện, nhất là phương pháp huấn luyện các nước có nền thể thao phát triển bảo đảm phù hợp với tầm vóc, thể chất người Việt Nam; chú trọng công tác đào tạo vận động viên trẻ triển vọng, tài năng; ưu tiên phát triển các môn thể thao truyền thống, thế mạnh của Quân đội, như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bắn súng, Bơi lội, Điền kinh, Võ, Vật…; huy động các nguồn lực xã hội hoạt động thể dục thể thao trong Quân đội.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên gắn với quy hoạch, xây dựng các cơ sở theo hướng chuyên sâu, hiện đại. Đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho vận động viên, huấn luyện viên; chú trọng học văn hóa, ngoại ngữ, đào tạo, hướng nghiệp và chuyển đổi nghề nghiệp cho vận động viên sau khi kết thúc thi đấu.
- Nghiên cứu tổ chức các giải thể thao Quân đội mở rộng, quốc tế, tạo điều kiện để vận động viên được cọ xát, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện tâm lý thi đấu.
- Phối hợp chặt chẽ với Cục Thể dục thể thao Việt Nam và các hiệp hội, liên đoàn thể thao quốc gia ưu tiên đầu tư đào tạo các vận động viên trọng điểm của Quân đội và quốc gia.
- Tổ chức thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của thể dục thể thao Quân đội đối với quốc gia; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo, chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên và các hoạt động khai thác bản quyền, tài trợ, quảng cáo, tiếp thị trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp.
- Thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa thể thao giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo vận động viên. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở trọng điểm phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu thể thao.
- Phát triển thị trường, thúc đẩy hợp tác công - tư lĩnh vực thể dục thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, sản xuất trang, thiết bị, hàng hóa, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và cung cấp các dịch vụ thể dục thể thao.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực thể dục thể thao.
- Tăng cường, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác song phương, đa phương về thể dục thể thao với các đối tác chiến lược trong công tác huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học thể thao, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo cán bộ, vận động viên, nghiên cứu khoa học công nghệ, y học thể thao. Khuyến khích tạo điều kiện để các tài năng thể thao là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia, cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thể thao Quân đội và đất nước.
- Tích cực, chủ động tham gia thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng Thể thao quân sự quốc tế (CISM) và châu Á.

Triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian tới, cán bộ, huấn luyện viên Thể thao Quân đội tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, huấn luyện nghiêm túc, khoa học; vận động viên nỗ lực tập luyện, thi đấu với quyết tâm cao. Các cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác quản lý, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi đấu, nuôi dưỡng, bảo đảm chế độ chính sách để tiếp tục phát triển thể thao thành tích cao Quân đội vững chắc, toàn diện, đúng hướng, đạt hiệu quả cao, nhằm “Phát huy vai trò thể thao Quân đội trong đào tạo vận động viên đỉnh cao và đóng góp vào thành tích Thể thao Việt Nam tại Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046”, đồng thời, quan tâm nghiên cứu quy hoạch phát triển thể dục thể thao, trong đó đưa thể thao thành tích cao Quân đội lên tầm cao mới.