Hội thảo ASEAN - Nhật Bản thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao

Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao vừa được khai mạc hôm nay (8/1), tại Manila (Philippines), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao khu vực.

z6208765310881-e1c32d83f0e53a6b5be2542dc7ed7ec8-1736326059.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam - báo cáo tại Hội thảo ASEAN - Nhật Bản thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao

Sự kiện này là một phần của Dự án Hành động ASEAN - Nhật Bản về bình đẳng giới trong thể thao, tiếp nối các hoạt động hiệu quả đã được triển khai từ năm 2021 đến 2023. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày (8 và 9/1), quy tụ 20 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên ASEAN, 2 đại diện của Timor Leste và 2 thành viên Ban Thư ký ASEAN. Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - đại diện Việt Nam tham dự Hội thảo.

Hội thảo ASEAN - Nhật Bản thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao được tổ chức bởi Cơ quan Thể thao Nhật Bản (JSA) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Thể thao và Bình đẳng Giới (SGE) thuộc Đại học Seijo, dựa trên những thảo luận tại SOMS+Japan lần thứ 6 diễn ra vào tháng 8/2023 tại Chiang Mai - Thái Lan. Các đại biểu sẽ được tiếp cận với các báo cáo về kết quả của các Hội thảo và Dự án đã được thực hiện trước đó, đồng thời, tham gia vào các phiên thảo luận chuyên sâu về nhiều chủ đề quan trọng.

bdg-1736322888.jpg

Một trong những trọng tâm chính của Hội thảo là tầm quan trọng của dữ liệu trong việc xây dựng và thực thi các chính sách thể thao hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực bình đẳng giới. Các đại biểu sẽ cùng nhau tìm hiểu về tầm quan trọng của dữ liệu đối với chính sách thể thao và bình đẳng giới; các sáng kiến và chiến lược toàn cầu về chính sách thể thao và thu thập dữ liệu; nghiên cứu và dữ liệu cụ thể để làm rõ từng chủ đề liên quan.

Đặc biệt, Hội thảo sẽ tập trung vào việc xây dựng kế hoạch chiến lược để thu thập, quan sát và đánh giá dữ liệu về giới. Mục tiêu là giúp đại diện từ mỗi quốc gia tham gia xác định các chỉ số phù hợp cho chính sách thể thao của quốc gia mình dựa trên các mục tiêu quốc gia cụ thể. Điều này bao gồm việc thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức về việc xem xét và thu thập dữ liệu dựa trên các chỉ số, cũng như xác định các tổ chức liên quan cần tham gia vào quá trình này. 

z6208717232359-0332fbac27fce8979470aafe2238c426-1736325404.jpg

Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tổ chức một Hội thảo kéo dài 4 ngày theo tinh thần của Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020, hướng đến 10 quốc gia thành viên ASEAN, nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực này. Hội thảo đó đã có sự tham gia của các quan chức Chính phủ, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ trong Thể thao của Ủy ban Olympic Quốc gia và các nhà lãnh đạo thể thao nữ trẻ. Dự án được triển khai theo nhiều giai đoạn nhằm thúc đẩy các chương trình, môn thể thao và hoạt động thể chất dựa trên cộng đồng, không phân biệt đối xử và có thể tiếp cận được với mọi cơ sở, bao gồm không gian mở và điều kiện môi trường phù hợp, cho mọi lứa tuổi và trình độ, đóng góp vào Kế hoạch công tác thể thao ASEAN trong giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo lần này hứa hẹn sẽ là một diễn đàn quan trọng để các quốc gia ASEAN và Nhật Bản cùng nhau hợp tác và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao, góp phần xây dựng một cộng đồng thể thao công bằng và phát triển hơn.

bdg1-1736322943.jpg
Phương Quyên