GS. TS Nguyễn Đại Dương - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh:

“Để phát triển Thể thao thành tích cao, cần có những giải pháp đồng bộ trong phát triển Khoa học - công nghệ”

Trong những năm qua, thành tích của Thể thao Việt Nam không ngừng được nâng cao trên đấu trường quốc tế nhờ có sự đóng góp rất lớn từ Khoa học - công nghệ. Khoa học - công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển thể thao thành tích cao tại các đấu trường thể thao châu lục và thế giới. Việc đẩy mạnh ứng dụng Khoa học - công nghệ trong công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thành tích cao luôn được quan tâm, chú trọng.

a-3-1744477590.jpg
GS. TS Nguyễn Đại Dương - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh

Tuy nhiên, để Khoa học - công nghệ trở nên thiết yếu, tạo ra động lực nâng tầm, nâng cao thành tích hơn nữa cho thể thao Việt Nam thì rất cần một kế hoạch dài hơi và bài bản. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đó là cần phải “Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thể thao thành tích cao”. Đây cũng là nội dung được đề cập trong “Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 -2046” do Cục Thể dục thể thao Việt Nam phối hợp chủ trì xây dựng đã được các nhà  nhà khoa học hàng đầu cả nước, các nhà quản quản lý thể thao đặc biệt quan tâm. 

Trong những thập niên đầu thế kỷ 21, khoa học và công nghệ đã có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến đời sống con người. Những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin, truyền thông, y tế và công nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống và làm việc. Trong lĩnh vực Thể dục thể thao thế giới, công nghệ số đã được áp dụng trong nhiều mồn thể thao như: Bóng rổ, cờ Vua, Bóng đá, Golf, Cầu lông, Điền kinh... điều này đã mở rộng cơ hội phát triển cho các nhà quản lý điều hành, vận động viên, huấn luyện viên, nhà tuyển chọn tìm kiếm tài năng thể thao. 

Ở Việt Nam vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nói chung và Thể dục thể thao nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm phát triển thể thao thành tích cao hướng đến Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); chuyển đổi công tác quản lý điều hành truyền thống sang quản lý điều hành số...  

Trong Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 1189/QĐ-Ttg ngày 15/10/2024 của Thủ tướng chính phủ, nội dung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ được xác định là một trong 6 mục tiêu và nội dung được cụ thể hóa trong nhiệm vụ và giải pháp 6 và 9 trong chiến lược thể thao. Vì vậy Chương trình Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thể thao thành tích cao; 

Trong Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 -2046 vấn đề Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thể thao thành tích cao; Định hướng phát triển các môn thể thao trọng điểm 2026-2046 được đặc biệt chú trọng.

a-1-1744477589.png
Khoa học - công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển thể thao thành tích cao tại các đấu trường thể thao châu lục và thế giới

GS. TS Nguyễn Đại Dương - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh - cho biết: “Để phát triển Thể thao thành tích cao, cần có những giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng thành tựu của cách mạng công nghệ từ công tác đào tạo vận động viên đến thi đấu, tổ chức các giải đấu quan trọng ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, để bắt kịp với xu thế phát triển của các nền thể thao hiện đại thì việc cấp thiết phải xây dựng kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý đối với vận động viên, huấn luyện viên, quá trình huấn luyện và thi đấu. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), y học thể thao trong công tác tuyển chọn vận động viên, đào tạo tài năng, huấn luyện vận động viên cấp cao, tổ chức các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế, tập trung ưu tiên cho lực lượng vận động viên trọng điểm trong giai đoạn 2026-2030”.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Dương, ngành Thể dục thể thao Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết trao đổi dữ liệu thông tin giữa các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia với các cơ sở nghiên cứu đào tạo và các Trung tâm Đào tạo Vận động viên các tỉnh, thành, ngành gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và huấn luyện vận động viên. 

Bên cạnh đó, nên tính toán thật kỹ giải pháp thành lập các phòng huấn luyện ứng dụng công nghệ cao tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia phục vụ tập luyện của vận động viên, kết hợp một số phần mềm phân tích đánh giá trình độ kỹ thuật, trình độ thể lực trạng thái tâm lý... và nếu có thể thực hiện được thì nên phân cấp và chia nhóm đầu tư cùng phối hợp từ các cấp cơ sở đào tạo (có thể là ngay từ địa phương, đơn vị, Trung tâm Huấn luyện Thể thao cấp quốc gia…) nhằm giúp cho công tác đào tạo vận động viên có được kết quả tốt nhất. 

Trong năm 2024, đại diện ngành Thể dục thể thao Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Pháp và trường Đại học Nantes để tìm giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng thể thao đỉnh cao Việt Nam theo hướng cung cấp một số các giải pháp phần mềm phân tích dữ liệu vận động viên đã, đang được áp dụng, triển khai hiệu quả ở nhiều môn thể thao tại nhiều nước ở châu Âu. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phần mềm này có tính năng vô cùng hữu ích liên quan đến công tác huấn luyện, quản lý, đào tạo vận động viên, giúp họ tăng cường thể lực, nâng cao thành tích trong tập luyện và thi đấu. Tính nổi trội của phần mềm này khi đưa vào sử dụng là sẽ tạo được sự kết nối giữa huấn luyện viên với vận động viên, giúp nắm bắt nhanh nhất, rõ ràng, kịp thời về các chỉ số sức khỏe, tình trạng chấn thương, thông số kỹ thuật, kết quả trong tập luyện, thi đấu của từng vận động viên. 

Thể thao Việt Nam cũng đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện, nâng cao thành tích thi đấu cho các vận động viên là việc ứng dụng Khoa học - công nghệ. Chính vì vậy, ngành Thể dục Thể thao Việt Nam đang tích cực đổi mới công tác ứng dụng Khoa học - công nghệ trong đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao nhằm sớm bắt kịp với xu thế phát triển của các nền thể thao hiện đại. 

a-2-1744477590.png
Cùng với đó là việc sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho vận động viên, sử dụng hệ thống Khoa học - công nghệ hiện đại trong mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh và phát huy những mặt mạnh về kỹ thuật của vận động viên

Trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng Khoa học - công nghệ trong công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu đối với vận động viên, trong đó ưu tiên cho việc triển khai sử dụng phần mềm quản lý huấn luyện viên, vận động viên trước mắt là tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, làm cơ sở triển khai đến các địa phương; bố trí nhân lực cho hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong huấn luyện, đào tạo vận động viên ở mỗi trung tâm để phát huy tác dụng của cơ sở vật chất hiện có.

Cùng với đó là việc sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho vận động viên, sử dụng hệ thống Khoa học - công nghệ hiện đại trong mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh và phát huy những mặt mạnh về kỹ thuật của vận động viên. Từ đó, đưa ra các giải pháp tối ưu nâng cao trình độ kỹ thuật cho vận động viên. Với các đội tuyển trọng điểm, quá trình huấn luyện cần có sự theo dõi của đội ngũ y, bác sĩ thể thao để đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý thể thao, là nền tảng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, trong năm 2025 ngành Thể dục thể thao dự kiến sẽ triển khai ngay ứng dụng Khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, AI trong đào tạo, huấn luyện vận động viên với một số môn thể thao. Hiện nay, Cục Thể dục thể thao Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các bộ môn phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các ngành Công an, Quân đội để rà soát lực lượng vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trẻ, nhất là vận động viên ở các môn, nội dung trọng điểm để tập trung đầu tư cho các đấu trường lớn. 

Thực tế ghi nhận số môn thể thao đã sớm áp dụng công nghệ để có những phân tích chuyên môn trong huấn luyện, thi đấu. Các môn đã chú trọng áp dung công nghệ trong huấn luyện như: Bóng đá, Golf, Bóng chuyền... Nhiều đội thể thao, cá nhân đã trang bị phần mềm phân tích dữ liệu từ đó nhận các chỉ số nhằm điều chỉnh đấp pháp, cách thức tập luyện và chọn con người phù hợp khi thi đấu.

Chuyển đổi là cách làm hiệu quả giúp các nhà quản lý thể thao bỏ đi sự thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian. Đối với huấn luyện viên và vận động viên thì việc số hóa giúp phân tích tốt hiệu quả của mình từ các chỉ số đo lườn đưa ra đồng thời phần mềm phân tích dữ liệu sẽ giúp hạn chế tối thiểu nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng nư tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc quyết định kết quả thi đấu.

Mỹ Hạnh