Kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản, tạo điều kiện thuận lợi trong thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XV, chiều ngày 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Tại Phiên thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung về bảo hiểm xã hội để thảo luận toàn thể tại hội trường, khẳng định tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội- một trong những trụ cột của an sinh xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan đã chủ động, tích cực trong việc kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản nhằm vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác trong việc thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhất là chính sách hỗ trợ đối tượng chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.

Theo các đại biểu, cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm để triển khai, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và một số đại biểu chỉ ra rằng, Chính phủ cần ban hành văn bản quy định hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; ban hành quy định về giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ BHTN cho người lao động theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, dù nghị định này đã có hiệu lực thi hành gần một năm.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng, vẫn còn một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống như: chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung; chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều vướng mắc bất cập nên mặc dù tồn quỹ lớn nhưng một bộ phận người lao động thuộc đối tượng chưa được hưởng chế độ chính sách kịp thời và tương xứng với mức độ ảnh hưởng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng vẫn chậm được đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, một số đại biểu đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH đã chủ động giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2020. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT. Việc khắc phục các sai phạm được chỉ ra đạt tỷ lệ cao. Hoạt động thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều tích cực, song cần đánh giá tổng thể hơn về kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

PT