Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm

Đó là một trong những nội dung Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 vào chiều nay (ngày 5/6) và sáng ngày 6/6.

Theo Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

bo-truong-hung-se-tra-loi-chieu-nay-1717550776.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ chủ trì 3 Hội nghị toàn quốc về du lịch (trong năm 2022, 2023); trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15/8/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. 

Du lịch đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023, và nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến như: Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú du lịch.

Tính đến hết tháng 4/2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273 nghìn tỷ đồng. Toàn Ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành Du lịch đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam vẫn chưa phục hồi được như trước dịch (Nga, Nhật, Tây Âu) do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động; Nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới nổi như Ấn Độ.

Sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng còn thiếu những sản phẩm mới, đặc sắc nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm, ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế. Sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kênh rạch chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc phát triển tuyến du lịch đường biển, đường thủy nội đô.

Hoạt động vận tải khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở dù đã được mở rộng nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, mật độ phương tiện lưu thông cao nên thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan, ùn tắc cục bộ tại các cảng hàng không những dịp cao điểm du lịch; giá vé máy bay nội địa tăng cao do tình trạng thiếu hụt máy bay…

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch chiếm tỷ lệ cao nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế.

phat-trien-du-lich-ben-vung-1717550801.jpg
Gắn du lịch với phát triển xanh, bền vững

Gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”

Về quan điểm phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là: Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; sự liên kết vùng, giữa các địa phương trong phát triển du lịch; sự liên kết giữa phát triển du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị; gắn với phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15/8/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Tham mưu phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền để các cấp, các ngành và Nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. 

Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai Kế hoạch tổng thể điều tra du lịch.

Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh; Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị liên quan ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam.

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.

Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm

Về nội dung phát triền sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về phê duyệt Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, nhiều địa phương cũng đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương3.

Một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ và tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội); “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 - Sắc màu đêm” (TP. Hồ Chí Minh)... cùng với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại... và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... trở thành điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Việt Nam.

tour-dem-tinh-hoa-dao-hoc-1717550853.png
Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách

Thực tế, trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu (chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm); quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế; các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm.

Thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại địa bàn trọng điểm phát triển du lịch

Về giải pháp cho phát triển sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, theo đó tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. 

Theo đó sẽ xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm: Xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm; Xây dựng mô hình phát triển, loại hình sản phẩm du lịch đêm đảm bảo khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa của địa phương.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm: Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.

Tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm: Phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức: Tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tuân thủ quy định pháp luật...

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch; Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, các kỹ năng quản lý, giao tiếp, ngoại ngữ… cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm.

Thu hút nguồn lực đầu tư: Khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan tham gia vào phát triển du lịch đêm; Nghiên cứu, đánh giá, dự báo về thị trường khách và sản phẩm phù hợp; Triển khai xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đêm hướng tới nhóm lưu trú dài ngày, có khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin: Xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá về sản phẩm du lịch đêm; Triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, thanh toán trực tuyến, công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ.

T.H