Việt Nam cam kết tuyệt đối phòng, chống Doping trong thể thao 

Sáng 27/9, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ của Cơ quan phòng chống Doping thế giới (WADA) và Cơ quan phòng chống Doping Trung Quốc (CHINADA) về các vấn đề phối hợp trong thời gian tới.

z5873297914230-816bf4f315b3d7f7685c932db2693df9-1727434114.jpg

Cùng dự có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao. Tại buổi làm việc, bà Mayumi Yaya Yamamoto - Trưởng đoàn WADA - đã gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo ngành Thể dục thể thao Việt Nam đã có những hợp tác vô cùng tốt đẹp với tổ chức WADA, CHINADA trong công tác triển khai, thực hiện các quy định, kế hoạch liên quan đến công tác Doping. Đồng thời đánh giá cao vai trò của Thể thao Việt Nam trong khu vực và châu lục về tốc độ phát triển và thích ứng nhanh trước những quy định, điều chỉnh mới trong hoạt động thi đấu đỉnh cao do các tổ chức quốc tế đưa ra. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống Doping, Việt Nam là một trong những quốc gia rất quan trọng để WADA thực hiện các chiến lược phát triển, thực thi về công tác phòng chống Doping trong hoạt động thể thao. 

Điểm lại quá trình hợp tác trong thời gian vừa qua, bà Yamamoto nhấn mạnh vai trò hoạt động độc lập của Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam trong việc hoàn thiện văn bản và tuân thủ bộ luật. Bà Yamamoto cũng mong muốn các địa phương, tỉnh, thành, ngành tại Việt Nam cùng hợp tác về những quy định trong phòng, chống Doping. Bà cũng chỉ ra rằng, có một số nước đã gặp nhiều tình trạng khó khăn trong việc phối hợp với các liên đoàn, địa phương, vì thế mong rằng Cục Thể dục thể thao có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là những vận động viên trẻ. 

Trao đổi về các kế hoạch, chương trình hợp tác trong thời gian tới, bà Mayumi Yaya Yamamoto cho biết: Hiện WADA đang theo dõi sát những hoạt động độc lập của Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam để đưa ra những hỗ trợ, phối hợp phù hợp nhất. Cùng với đó, WADA mong muốn, sẽ sớm đưa ra các hướng dẫn về công tác phòng chống Doping mới nhất tới các huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển quốc gia. Đặc biệt là những vận động viên trẻ, vì ngay từ đầu đã giúp họ có được những kiến thức, hiểu biết về Doping nhằm giúp cho quá trình thi đấu của vận động viên được thuận lợi và đúng với những giá trị, ý nghĩa mà thể thao mang lại.

z5873297920252-4806f85b8836a9e909b0a773e498592e-1727434114.jpg

Bà Mayumi Yaya Yamamoto cũng cho rằng: Hiện WADA đang có chương trình phát triển toàn cầu về Doping, không chỉ đào tạo về lấy mẫu mà còn về giáo dục và quản lý kết quả. Gần đây, WADA đã triển khai chương trình điều tra truy vết và đã mời Trung tâm Doping và Y học Việt Nam cùng tham gia. Hy vọng với ý nghĩa và mục tiêu mà chương trình mang lại, Trung tâm sẽ cùng với các đơn vị pháp luật liên quan tại Việt Nam để cùng tham ra chương trình này, đạt được hiệu quả cao nhất.

Cũng nhân dịp này, ông WA Xinzhai - Giám đốc CHINADA - cũng đã báo cáo một số điểm lưu ý trong hợp tác giữa hai nước về phòng, chống Doping theo thỏa thuận hợp tác mà cả 2 đã ký vào tháng 9 tại Hàng Châu năm 2023. Trong đó, đã có nhiều chương trình trao đổi và đạt hiệu quả cao trong 1 năm vừa qua. Đặc biệt, việc tái cấu trúc các chương trình lấy mẫu và giáo dục truyền thông. 

Sau khi nghe các ý kiến, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao vui mừng và bày tỏ lời cảm ơn tới 2 tổ chức WADA và CHINADA trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Doping và Y học Thể thao. Đặc biệt và việc WADA hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện thông tư phòng chống Doping và và xây dựng xong các nhóm môn có nguy cơ cao và chương trình phòng, chống Doping cho từng nhóm đối tượng vận động viên. Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được những chia sẻ và bài học những kinh nghiệm quý báu từ hoạt động, quán lý đến truyền thông về Doping tới các quá trình đào tạo, thi đấu của vận động viên đỉnh cao.

z5873297917248-e6f269c19ac82798862cc4447523c486-1727434114.jpg
Việt Nam cam kết tuyệt đối trong phòng, chống Doping trong thể thao 

Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định, Việt Nam cam kết phòng, chống Doping trong thể thao cũng như cấm các vận động viên sự dụng doping. Thể thao Việt Nam đã và đang xây dựng các chương trình phát triển toàn diện, xuyên suốt về công tác này mà đối tượng chính hướng đến là các vận động viên trẻ khi còn ở lứa tuổi học sinh cho đến khi trở thành vận động viên đỉnh cao. 

Nhất trí với quan điểm của bà Yamamoto, Cục Thể dục thể thao đã triển khai và sẽ có nhiều chương trình hơn nữa tại các địa phương để triển khai thông tư một cách chặt chẽ với giáo dục tư tưởng xuyên suốt. Đối với công tác này, thời gian gần đây Việt Nam triển khai rộng khắp, trong năm 2024 hầu hết hoạt động tuyên truyền, truyền thông về Doping được rộng khắp tới các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia trong cả nước. 

Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng nhấn mạnh rằng, Cục Thể dục thể thao luôn tạo mọi điều kiện thuận lời nhất, và sẵn sàng hỗ trợ việc xây dựng Trung tâm Doping và Y học Thể thao phát triển mạnh mẽ hơn. 

Với khối lượng công việc và trách nhiệm của Trung tâm Phòng chống Doping và Y học Thể thao là rất lớn. Để đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà ngành Thể dục thể thao giao thì rất cần sự hỗ trợ từ phía WADA và CHINADA. Đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác đào tạo nhân viên đạt chuẩn trong lấy mẫu, quản lý kết quả, truy vết và quản lý hồ sơ sinh học và cán bộ về giáo dục truyền thông tới các vận động viên đang hoạt động thi đấu đỉnh cao.

Bùi Lượng