SEA Games 31 và những câu chuyện về lòng quyết tâm

Có được thành tích giành vị trí Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 của Đoàn Thể thao Việt Nam với số lượng huy chương vàng vượt trội, không thể không kể đến tài năng và nỗ lực hết mình của các vận động viên, huấn luyện viên và gia đình của họ. Bao nhiêu vận động viên, huấn luyện viên là bấy nhiêu câu chuyện về sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc.

kiem-1653826771.jpg
Niềm vui của thầy trò đội tuyển đấu kiếm Việt Nam khi giành huy chương vàng SEA Games 31.

Bỏ lại mọi khó khăn phía sau

Không phải ngẫu nhiên trong câu chuyện chia sẻ cùng phóng viên Báo Hànộimới, huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhiều lần nhắc đến cụm từ “kết quả như mơ”. Giọng khàn đặc vì chỉ đạo, cổ vũ các trò, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn vẫn không giấu nổi niềm xúc động: “Tôi vô cùng tự hào được chứng kiến nỗ lực của các vận động viên đội tuyển đấu kiếm Việt Nam. Đối diện và bỏ lại sau lưng mọi khó khăn, các em đã giành chiến thắng bằng quyết tâm, khát khao thi đấu với niềm tự hào dân tộc trong tim”.

Không tự hào sao được, khi biết rằng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam chỉ được phát kiếm thi đấu chừng 6 ngày trước khi vào các cuộc đấu chính thức và họ có rất ít thời gian để làm quen lưỡi kiếm mới. Giống như tình trạng thiếu đạn trong bắn súng, thiếu tên trong bắn cung, vận động viên môn đấu kiếm rất thiếu lưỡi kiếm để luyện tập, do súng, đạn, cung tên, kiếm… đều thuộc danh mục vũ khí nói chung, rất khó mua sắm trong nước, quy trình đấu thầu quốc tế phức tạp, ít đơn vị mặn mà nhập về. Nhiều năm qua, các vận động viên đấu kiếm đều phải sử dụng kiếm cũ, hễ hỏng thì tìm cách hàn, gắn, sửa chữa để có dụng cụ luyện tập. Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Lãnh đạo ngành rất quan tâm đầu tư nâng cấp nơi ăn, chốn ở cho các vận động viên, nhưng cái khó về trang thiết bị là cái khó chung, do kiếm thuộc danh mục vũ khí, nên rất khó nhập. Lại thêm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến hầu như các kiếm thủ phải “tập chay”, không được tập huấn, thi đấu nước ngoài”.

Trong bối cảnh ấy, việc phấn đấu hoàn thành được chỉ tiêu từ 3 đến 4 huy chương đã là rất đáng khen ngợi. Vậy mà các kiếm thủ còn làm tốt hơn thế, giành tới 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 5 huy chương đồng. Trong đó, đấu kiếm Việt Nam xuất sắc giành Huy chương vàng cả 2 nội dung đồng đội kiếm chém của nam và nữ. Các kiếm thủ: Vũ Thành An, Bùi Thị Thu Hà vô địch kiếm chém cá nhân nam, nữ; Nguyễn Tiến Nhật vô địch kiếm 3 cạnh cá nhân nam.

Theo huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn, các vận động viên rất quyết tâm, tập trung trong quá trình luyện tập và thi đấu. Họ thực sự là những chiến binh.

Khi biết khơi dậy khát vọng mạnh mẽ...

Cùng với đội tuyển đấu kiếm, tại SEA Games 31, đội tuyển khiêu vũ thể thao Việt Nam giành 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 5 huy chương đồng, vượt chỉ tiêu đề ra (phấn đấu giành 4 huy chương vàng). Lý giải cho thành công này, bà - Nguyễn Phương Lan - Trưởng bộ môn Khiêu vũ thể thao Hà Nội, thành viên Ban Tổ chức môn Khiêu vũ thể thao tại SEA Games 31 - phân tích: “Xác định các nội dung standard, đội Philippines có thế mạnh vượt trội, các vận động viên của chúng ta đã tập trung đầu tư cho các nội dung Latin và có chuyến tập huấn tại Italia trước thềm SEA Games 31, mời các chuyên gia hàng đầu thế giới là Matus Anna và Gabriele Pasquale - những người từng giành kết quả cao ở giải thế giới trong nội dung latin huấn luyện. Kinh phí nhà nước có hạn, trong khi việc mời chuyên gia quốc tế môn này có chi phí rất cao. Gia đình các em đã cùng vào cuộc, dùng nguồn kinh phí xã hội hóa, chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được sự tiến bộ vượt trội này”.

Việc các gia đình sẵn sàng “bỏ tiền túi” đầu tư cho con em mình thi đấu thành công tại SEA Games 31 là minh chứng cho thấy, hơn cả những tấm huy chương, tiền thưởng, tất cả đặc biệt coi trọng việc thi đấu vì màu cờ, sắc áo.

Có thể khẳng định, chính sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm, khát khao thể hiện những gì hay nhất, tài nhất của mình khi được thi đấu trên sân nhà, trước sự cổ vũ của khán giả nhà và những người thân yêu đã giúp nhiều vận động viên thi đấu vượt ngưỡng. Đó còn là Nguyễn Đức Tuân với tấm Huy chương vàng đơn nam bóng bàn danh giá. Hay như Đinh Phương Thành, đã xuất sắc giành “cú đúp” Huy chương vàng nội dung xà kép và xà đơn môn thể dục dụng cụ, cho dù đối thủ của anh là vận động viên Philippines từng vô địch thế giới, được chuyên gia Nhật Bản huấn luyện riêng từ nhỏ… Và đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất giúp Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí Nhất toàn đoàn với 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng, góp tới 17 trong tổng số 30 nội dung được xác lập kỷ lục SEA Games tại SEA Games 31.

Biết bao câu chuyện trong thể thao, nhưng lại là minh chứng cho thấy khi biết khơi dậy khát vọng mạnh mẽ, mỗi con người Việt Nam đều có thể làm nên những thành công lớn.

Mai Hoa