Một trong những ấn tượng lớn nhất mà SEA Games 31 để lại trong lòng bạn bè quốc tế là không khí tại các trận thi đấu và cả ngoài địa điểm, mà đỉnh điểm là khi các đội tuyển bóng đá nam và nữ cùng bảo vệ thành công tấm huy chương vàng. Báo chí các nước Đông Nam Á đã ca ngợi "đây là một SEA Games hừng hực sức sống, với bầu không khí cuồng nhiệt đến choáng ngợp trên các khán đài, kể cả với những môn thi đấu vốn thưa vắng người xem".
Nhưng điều này không chỉ cho thấy tình yêu với thể thao. SEA Games 31 còn khẳng định sức sống của một Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công, mở cửa trở lại và đang phục hồi mạnh mẽ. Cùng với đó là niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, tình đoàn kết, nhu cầu gắn kết cộng đồng - những giá trị quý báu của dân tộc, con người Việt Nam được vun đắp qua nhiều thế hệ, nhiều ngàn năm lịch sử. Ngay cả những người nước ngoài có mặt tại Việt Nam cũng nhận thấy rõ điều này.
Thể thao Việt Nam hội nhập đầy đủ với khu vực và thế giới từ 1997, nhưng trong nhiều kỳ SEA Games gần đây, chúng ta đã luôn ở trong top 3 đoàn thể thao mạnh nhất. Còn trong phát triển kinh tế, từ một nước "làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập", Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng hàng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực…
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Để làm được điều này, ông cho rằng, phải lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Các yếu tố trụ cột của nội lực bao gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa - lịch sử.
Trong đó, con người là nguồn lực quý giá nhất, phải phát huy tối đa trí tuệ, tài năng và năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ gần đây với kiều bào tại Hoa Kỳ, nơi có đông nhất người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng chia sẻ rằng: "Khi nói nguồn lực con người Việt Nam, chúng ta không phân biệt người ở trong nước hay ngoài nước. Chúng ta cũng không quá nặng nề chuyện làm việc trong nước hay ngoài nước, ở đâu đóng góp được cho đất nước thì cũng đều tốt cả". Ông cũng chia sẻ thêm, truyền thống của người Việt Nam là luôn hướng về quê hương đất nước, người trẻ tuổi cũng vậy, người cao tuổi càng vậy, bởi như cha ông ta đã nói, lá rụng về cội…
Mặt khác, SEA Games 31 không chỉ là cơ hội của Việt Nam. Trong phát biểu tuyên bố bế mạc SEA Games, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, việc tổ chức thành công SEA Games 31 là chiến thắng của tất cả chúng ta; chiến thắng của tinh thần thể thao trung thực, vô tư, trong sáng, cao thượng; chiến thắng chính mình, chiến thắng của tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc. Tất cả vì sự phát triển của thể thao Đông Nam Á và "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn-một Đông Nam Á hùng cường, thịnh vượng".
Thật vậy, nhiều huấn luyện viên, vận động viên các nước bày tỏ bất ngờ khi thấy họ không phải đơn độc ăn mừng chiến thắng bởi phía sau còn hàng nghìn người đang vỗ tay chúc mừng, kể cả khi thi đấu với vận động viên nước chủ nhà. "Chưa có một quốc gia nào chúng tôi đến thi đấu lại được người dân cổ vũ và đối xử tốt như Việt Nam", Felisberto de Deus - người mang về 2 tấm huy chương bạc lịch sử trong môn Điền kinh cho Đoàn Thể thao Timor Leste xúc động chia sẻ. "Người hùng" của đất nước Timor Leste đã nhận được rất nhiều quà, đủ các món đặc sản 3 miền của người dân Việt Nam gửi tặng…
Có thể nói rằng, SEA Games lần này có cả tình yêu thể thao cao thượng, tinh thần tự hào dân tộc chân chính và cả tình hữu nghị vô tư, trong sáng giữa các dân tộc. Có cả khát vọng của mỗi người dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á.
SEA Games 31 một lần nữa cho thấy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tình đoàn kết và khát vọng cũng như khả năng vươn lên hùng cường, thịnh vượng của Việt Nam, đồng thời là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.