Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Chiều ngày 18/6, phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu, quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa, nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa;...

chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-1718721339.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ. Ảnh: quochoi.vn

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật 

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu 3 vấn đề cần quan tâm đối với dự luật quan trọng này.

Về tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Di sản văn hóa là bộ luật có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, làm rõ và khắc phục các chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: Sở hữu Nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa.

Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, dự thảo Luật mới đã chuyển từ quy định “sở hữu Nhà nước” thành “sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng bởi dự thảo Luật vẫn chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Bởi, trên thực tế có khả năng xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý. 

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có) để bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về khu vực bảo vệ của di tích, việc phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội Tổ 13; đồng thời nêu rõ, Luật Di sản hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi lần này đều thống nhất về nguyên tắc, khu vực bảo vệ I của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích.

toan-canh-thao-luan-tai-to-13-1718721446.jpg
Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Bảo đảm tính công bằng và quyền lợi cho đối tượng hưởng thụ 

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hoá là vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm quy định pháp luật hài hòa với thực tiễn, với sự phát triển xã hội, thế giới.

Góp ý cụ thể vào Điều 13 của dự thảo Luật quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể như sau: “Ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ theo tình hình thực tiễn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương”, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc phân cấp, phân quyền nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và bảo đảm quyền lợi cho đối tượng hưởng thụ, đại biểu đề nghị quy định rõ 2 nhóm đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương và người không có lương. Đồng thời, cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí, nội dung, định mức chi tối thiểu (mức sàn) về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tham chiếu để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về nội dung này.

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó đều có liên quan đến Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ.  Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hoá trong bối cảnh hiện nay là cơ hội để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
TH