Khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2024 diễn ra sáng 12/5 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội.

pho-thu-tuong-phat-bieu-1715585857.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đề cập đến một vấn đề thời sự, rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật của Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng, đang cần được tập trung ưu tiên phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Xác định các vấn đề cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá, thể thao

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của Hội thảo trong việc giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực, "kinh tế hóa văn hóa thông qua phát triển các di sản, sản phẩm văn hoá, du lịch".

Đồng tình với các ý kiến, tham luận tại Hội thảo về thực trạng của các thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là những tồn tại nguyên nhân, đề xuất giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá, thể thao; đồng thời tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm thiết chế văn hoá, thể thao như các cơ sở vật chất, tổ chức, cơ chế chính sách đi kèm thể hiện vai trò của Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, thiết chế văn hoá, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình thiết chế văn hóa là các thành phố, đô thị di sản, đơn cử như Hội An.

“Những vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước, sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp, người dân trong phát triển thiết chế văn hoá, thể thao vừa xây dựng nền tảng tinh thần, vừa góp phần văn hóa hóa kinh tế, gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho rằng cần có một “bộ luật đầy đủ” liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hoá, thể thao. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những vướng mắc liên quan đến các Nghị định và Thông tư mà có thể tháo gỡ ngay, Chính phủ sẽ nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản. Trước mắt, Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong tuần tới có thể ký ban hành. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 sẽ giải quyết được phần rất lớn những vướng mắc hiện nay đối với đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao...

“Chúng ta đang sửa Luật Xây dựng đô thị và nông thôn, nội hàm thiết chế văn hóa cần xác định rõ, để cùng với Luật Đất đai, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước đầu tư và chúng ta phải có đầy đủ điều kiện bao gồm đất đai, nguồn vốn, đầu tư công, đầu tư tư...”, Phó Thủ tướng nói.

Thực hiện hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa

Trong phát biểu tại Hội thảo về “Một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển thiết chế văn hóa”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thời gian tới.

Theo ông Phan Xuân Thủy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của Nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng hiện đại, từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần tối thiểu của người dân. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở được triển khai rộng khắp. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. 

pho-truong-ban-tuyen-giao-phan-xuan-thuy-1715585997.jpg
Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - trình bày tham luận tại Hội thảo

Các cấp, các ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng những thiết chế sẵn có, đóng góp xây dựng những thiết chế văn hóa mới, phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán vùng miền, để thiết chế văn hóa thực sự trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng. 

Việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được quy hoạch tổng thể phương án đầu tư xây dựng, từ cấp tỉnh đến cấp xã phường, làng thôn, ấp bản. Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cho các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động, góp phần triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa ở nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế: Còn thiếu các thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa; nhiều nơi đang trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nhưng tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng sai mục đích. Một số địa phương chưa có đủ quỹ đất theo quy định; thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tại nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số,… hệ thống thiết chế văn hóa còn nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất cũng như trong việc tổ chức các hoạt động, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Cơ chế, chính sách, quy định đối với việc quản lý các thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư còn nhiều bất cập.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số nhóm giải pháp trọng tâm:

Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa; Thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ…

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Cũng theo ông Phan Xuân Thủy, việc xây dựng, đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hoạt động hiệu quả là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng góp phần xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để triển khai thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa, bên cạnh các nhóm giải pháp đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, huy động hiệu quả các nguồn lực với hành lang pháp lý rộng mở, hoàn thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh, văn minh.

Huy động nguồn lực xã hội trong sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao

pho-chu-tich-ubnd-tphcm-duong-anh-duc-1715586154.jpg
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - trình bày tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo với nội dung về “Một số vấn đề về huy động nguồn lực xã hội trong sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: Sự phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.HCM được ghi dấu ấn bằng sự đa dạng bởi các thể loại công trình; phủ khắp từ cấp thành phố đến cơ sở; từ quy mô nhỏ đến đa năng, hiện đại… Hệ thống thiết chế, văn hóa, thể thao công lập trên địa bàn thành phố có trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức; 615/1.576 khu phố và 351/404 trụ sở khu phố và văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Thành phố có 188 công trình được xếp hạng di tích và 100 công trình, địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo trên 60 công trình di tích.

Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của thành phố. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục, thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…).

Bên cạnh kết quả đạt được, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và sự kỳ vọng của thành phố. TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên, sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế (khoảng 1,5 công trình/vạn dân); tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường. Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng; sự phân bố không đồng đều giữa khu vực nội thành và ngoại thành; định mức chỉ tiêu quy hoạch xây dựng vẫn còn thấp; không gian công cộng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá; quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao là 2.826 ha (đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất của thành phố)…

Theo ông Dương Anh Đức, trước yêu cầu thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao không chỉ đơn thuần là những công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại để tích hợp các hoạt động văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, kích cầu đầu tư, phát triển du lịch… nên cần được đầu tư đúng mức với nguồn ngân sách rất lớn mới đảm bảo được yêu cầu phát triển toàn diện của thời đại.

TP.HCM cũng đã tập trung thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao. Ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép: “…Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…” đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao để đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập. 

Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để vượt lên, bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) vẫn còn là thí điểm, trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương để đạt được mục tiêu đề ra.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng như phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập, TP.HCM rất mong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu, có ý kiến, báo cáo Quốc Hội bổ sung, chỉnh sửa Luật PPP tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhằm tạo điều kiện kích cầu đầu tư, phát triển thiết chế văn hóa và thể thao làm cơ sở để nhân rộng, phổ biến phạm vi áp dụng trong cả nước.

T.H