Trong những năm gần đây, PSG nổi lên là CLB bạo chi nhất trong việc chiêu mộ cầu thủ mới và giữ chân những "ngôi sao" của mình. Mùa hè 2022, nhà vô địch Ligue 1 đã thành công trong nỗ lực thuyết phục Mbappe ký tên vào bản hợp đồng mới bất chấp trước đó "ngôi sao" người Pháp đạt được thỏa thuận với Real Madrid.
Để giữ chân Mbappe, PSG cũng đã phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu từ "ngôi sao" người Pháp, trong đó Mbappe được cho rằng trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới sau khi ký tên vào bản hợp đồng mới với đội bóng nhà giàu nước Pháp.
Trước việc PSG liên tục vung tiền mua sắm và giữ chân cầu thủ bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, trong buổi trả lời phỏng vấn Mundo Deportivo, Chủ tịch La Liga, Tebas nói: "Phải có hình thức trừng phạt PSG ngay lập tức".
Người đứng đầu La Liga chỉ ra PSG lỗ hơn 1 tỷ euro trong 7 mùa qua, với cách chi tiêu hoàn toàn đi ngược Luật công bằng tài chính của UEFA. Bất chấp lỗ 350 triệu euro trong mùa 2021-2022, PSG vẫn chi 630 triệu euro để giữ chân Kylian Mbappe thêm 3 mùa.
Trước đó, có tin UEFA sẽ phạt PSG 65 triệu euro vì những sai phạm tài chính, cao hơn 10 triệu euro so với khung cố định. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch La Liga nhấn mạnh: "10 triệu euro với PSG và Chủ tịch Al Khelaifi chỉ như một ly cà phê".
Đây là lần thứ hai Chủ tịch La Liga kêu gọi trừng phạt PSG. Vào hôm 31/5, Chủ tịch Tebas từng chỉ trích UEFA: "PSG đang thua lỗ, có quỹ lương cao hơn Real và Barca, nhưng vẫn bạo chi để ký hợp đồng với Mbappe. Chủ tịch PSG đang thoải mái làm những gì ông ấy muốn sao?".
Theo Football Espana, Chủ tịch Tebas có lý khi đề nghị UEFA trừng phạt PSG. Tuy nhiên, thực tế là rất khó để UEFA xử lý PSG, bởi nhiều câu lạc bộ tại châu Âu đang sai phạm tương tự. Ngay tại La Liga, Barca, Real và Atletico đang gồng gánh khoản nợ khổng lồ. Riêng Barca đã nợ hơn 1 tỷ euro, trong kỳ chuyển nhượng hè 2022 vừa qua, đội chủ sân Nou Camp đã thực hiện hàng loạt đòn bẩy về tài chính để có thể chiêu mộ những ngôi sao mới để tăng cường sức mạnh đội hình.
Cùng với đó, theo sửa đổi mới nhất ở Luật công bằng tài chính của UEFA, các câu lạc bộ được phép lỗ 60 triệu euro trong 3 mùa giải. Riêng các CLB đang đáp ứng tài chính theo quy định được lỗ thêm 10 triệu euro. Các câu lạc bộ quy phạm sẽ bị phạt tiền, trừ điểm tại các giải đấu hoặc bị đặt giới hạn chi tiêu chuyển nhượng.
Dù vậy, các chuyên gia bóng đá cho rằng, Luật công bằng tài chính của UEFA chỉ là lý thuyết trên giấy. Man City từng vi phạm và đối mặt nguy cơ bị cấm dự các giải đấu của UEFA (Champions League và Europa League), song không có hình phạt đủ nghiêm khắc đưa ra.