Man United, Bayern Munich, Inter Milan và nhiều câu lạc bộ kêu gọi tẩy chay Super League

Thắng kiện FIFA và UEFA, nhưng Ban Tổ chức giải Super League đang đối mặt nhiều thách thức, khó khăn khi nhiều đội bóng lớn như: Man United, Bayern Munich, Inter Milan,… tẩy chay giải đấu.

Super League ban đầu có 12 câu lạc bộ đồng sáng lập được công bố vào tháng 4/2021. Nhưng sau những áp lực từ phía UEFA, FIFA và người hâm mộ, 10 câu lạc bộ đã rút lui nên chỉ còn 2 "gã khổng lồ" của Tây Ban Nha. Ngày 21/12, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết khẳng định UEFA và FIFA đã vi phạm luật cạnh tranh của EU khi tìm mọi cách để ngăn chặn mầm mống phát triển của Super League, giải đấu đã được sáng lập cách đây 2 năm để chống lại sự độc quyền của UEFA.

"Các quy định của FIFA và UEFA yêu cầu các giải đấu cấp câu lạc bộ phải thông qua họ, đồng thời cấm cầu thủ tham dự những giải đấu như European Super League là vi phạm Luật Liên minh châu Âu (EU)", thông báo từ ECJ có đoạn.

tay-chay-1703213040.jpg
Các đội bóng ở Anh nhiều khả năng sẽ bị cấm tham dự European Super League

Phán quyết của ECJ đã tạo hành lang pháp lí để những nhà sáng lập Super League tiếp tục công cuộc xây dựng siêu giải đấu cho bóng đá châu Âu. Công ty Phát triển Thể thao A22 (được sáng lập bởi Barcelona, Real Madrid và Juventus) là tổ chức đứng sau Dự án Super League. Sau khi ECJ đưa ra phán quyết, Giám đốc điều hành của A22 - ông Bernd Reichart - đã tiết lộ chi tiết dự án của Super League với sự góp mặt của 64 câu lạc bộ.

Tuy nhiên, rất khó để Super League khiến các đội bóng ly khai khỏi các giải đấu của UEFA. Chẳng bởi thế mà trong ít giờ qua, Man United và hàng loạt câu lạc bộ lớn ở châu Âu đã phát đi thông điệp khẳng định không tham dự Super League.

“Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi hoàn toàn cam kết gắn bó với các giải đấu của UEFA, hợp tác tích cực với UEFA, Premier League và các câu lạc bộ thuộc ECA để tiếp tục phát triển bóng đá châu Âu”, thông báo của Man United.

“Quan điểm rất rõ ràng: Cánh cửa Super League ở Bayern Munich vẫn đang đóng. Tham dự giải đấu như vậy được hiểu là sự tấn công tới các giải vô địch quốc gia và hệ thống bóng đá châu Âu”, ông Dreesen - Giám đốc điều hành của câu lạc bộ Bayern Munich - khẳng định.

“Inter Milan xin nhắc lại qua điểm của mình rằng sự thịnh vượng của bóng đá châu Âu chỉ có thể được bảo đảm bởi sự hợp tác cùng nhau của các câu lạc bộ thông qua ECA, UEFA và FIFA”, Inter khẳng định rõ quan điểm không tham dự Super League.

Trên trang chủ, Sevilla xác nhận đã quyết định không tham dự Super League, qua đó trở thành một trong những câu lạc bộ đầu tiên từ chối Siêu giải đấu.

Ngoài Man United, Bayern Munich, Sevilla và Inter Milan, nhiều đội bóng khác như: PSG, Man City, Liverpool, Monaco, Atletico Madrid, Feyenoord, Benfica, Celtic, Leverkusen, AS Roma, Dortmund, Porto, Atalanta, RB Leipzig, Sociedad hay Salzburg cũng khẳng định rõ quan điểm không tham dự Super League.

Do Juventus đã tuyên bố rút lui nên dự án Super League chỉ còn lại 2 câu lạc bộ kiên trì theo đuổi là Real Madrid và Barcelona. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 21/12, Chủ tịch UEFA - ông Ceferin - đã lên tiếng mỉa mai 2 đội bóng này và dự án siêu giải đấu.

“Tôi đã thấy một số cổ động viên Anh gọi đây là Zombie League. Sắp tới Giáng sinh rồi, người ta thấy hộp quà dưới cây thông và bắt đầu ăn mừng. Nhưng khi mở ra, họ mới nhận ra rằng chẳng có gì bên trong.

Chúng tôi sẽ không ngăn cản họ. Họ có thể tạo ra những gì họ muốn. Tôi hi vọng giải đấu tuyệt vời của họ sẽ sớm bắt đầu với 2 câu lạc bộ. Tôi hi vọng họ hiểu rõ những gì họ đang làm nhưng tôi không chắc cho lắm”, Chủ tịch UEFA - Aleksaner Ceferin - chỉ trích Super League.

aleksander-ceferin-1703213041.png
Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm 21/12/2023

Chủ tịch Ceferin nói thêm rằng nhà tổ chức Super League có lẽ không hiểu chính họ đang làm gì. "Chúng ta không thể mua bán bóng đá", Chủ tịch UEFA nói. "Chúng tôi đã nhiều lần chứng tỏ điều đó, thông qua giới chủ và người hâm mộ các đội năm 2021 và không có gì thay đổi điều đó".

Trong khi đó, ngoài Real Madrid và Barcelona, vẫn có một câu lạc bộ mạnh ủng hộ Super League lần này, là Napoli. Chủ tịch Aurelio de Laurentiis nói rằng ông ủng hộ đề xuất của A22 và sẵn sàng đối thoại để gia nhập giải. Napoli ban đầu không thuộc nhóm 12 đội của Super League năm 2021.

Theo Mundo Deportivo, Super League sẽ có giá trị 100 tỷ euro (khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, các nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ túi 15 tỷ euro. Về lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ nhận được 15%, phần còn lại được chia cho các đội bóng. Real Madrid và Barcelona được đảm bảo nhận 1 tỷ euro để ở lại Super League mãi mãi. Hai đội bóng này đã liên hệ với 60 câu lạc bộ trong suốt 2 năm qua. Trong khi đó, các đội đã cam kết tham gia mà sau đó rút lui, sẽ có nguy cơ bị phạt 300 triệu euro.

Hoàng Nam (tổng hợp)