Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Chiều 16/3, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

7111-1678956733.jpg
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Ảnh: VGP

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp thứ 20 diễn ra vào ngày 28/2 vừa qua. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023.

Pháp lệnh được thông qua có kết cấu gồm 5 chương, 21 điều.

Cụ thể, Chương I: Những quy định chung, gồm 7 điều. Chương II: Hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN, gồm 7 điều. Chương III: Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KTNN, gồm 2 điều. Chương IV: Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, gồm 3 điều. Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều.

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối tượng bị xử phạt VPHC theo quy định của Pháp lệnh này là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN.

Về các hành vi vi phạm hành chính, tại Điều 5 của Pháp lệnh, quy định về hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật KTNN; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật KTNN; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN quy định tại Điều 68 của Luật KTNN.

Về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7): Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của tổ chức là 100 triệu đồng.

7112-1678956733.jpg
Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Ảnh: VGP

Pháp lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền lập biên bản VPHC, cụ thể Điều 15 quy định người có thẩm quyền lập biên bản, bao gồm: Kiểm toán viên nhà nước, tổ trưởng tổ kiểm toán, phó trưởng đoàn kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán trưởng.

Về thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, Điều 16 Pháp lệnh quy định thẩm quyền của trưởng đoàn kiểm toán và kiểm toán trưởng trong việc xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và quy định khác của pháp luật có liên quan, Pháp lệnh cũng quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt VPHC, quyền khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại khoản 2 Điều 17.

Về trách nhiệm tổ chức thi hành, tại Điều 21 Pháp lệnh quy định: "Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành".

Nguyễn Hoàng