Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”

Bằng ngôn ngữ thi ca và hình tượng âm nhạc, cùng diễn xuất của diễn viên, Chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện đầy sống động và nghệ thuật trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm - một “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.        

dien-bien-1714629197.jpg

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), Cục Công tác đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên: “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên”.

Chỉ đạo nội dung và cố vấn nghệ thuật: Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Trần Hải Đăng; Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Trịnh Tùng Linh; NSƯT Phan Mạnh Đức; Trung tá, NSƯT Trần Thị Út Lan; Thượng tá, NSƯT Trịnh Anh Thông. Kịch bản: Tiến sĩ Lê Y Linh. Tổng đạo diễn và Chỉ huy dàn nhạc: Lê Phi Phi, với sự góp mặt của NSƯT Nguyễn Huy Đức, Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Đỗ Vũ Lan Nhung, Nguyễn Anh Vũ, Lê Kim Long, Nguyễn Trường Linh, Tuyết Mai. Piano: Nguyễn Bích Trà cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân; Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

nhac-truong-le-phi-phi-1714629221.jpg
Tổng đạo diễn và Chỉ huy dàn nhạc Lê Phi Phi. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.

Cách đây tròn 70 năm, Quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954 đã trở thành sự kiện “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta, mà như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử".

Ngược dòng thời gian, ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Điện Biên được lan truyền và thấm tới mọi tầng lớp nhân dân, thấm tới từng người, trong đó có những chiến sĩ là những nhạc sĩ, thậm chí có những nhạc sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và họ đã ghi lại những cuốn biên niên sử bằng âm thanh lưu lại cho hậu thế.

Tiến sĩ Lê Y Linh, tác giả kịch bản chương trình khẳng định: “Người làm nghiên cứu chúng tôi luôn luôn phải tự đặt câu hỏi cho mình là những điều mình làm, nói, tổng kết, biểu cảm hay thực hiện liệu đã có đủ cơ sở khoa học và chuẩn xác chưa? Đã được đặt vào các tình huống khách quan nhất có thể chưa? có đủ luận chứng để biện minh cho sự lựa chọn của mình chưa… cùng rất nhiều câu hỏi khác. Và khi đưa ra một ý tưởng nào đó, thì cần đối chứng và cân nhắc để đảm bảo sự nghiêm cẩn nhất có thể.

Điện Biên Phủ với tôi chính là biểu tượng của một đất nước Việt Nam độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Và nếu nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại, biểu tượng này cũng có thể áp dụng cho những thành tựu của nền âm nhạc Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, ngôn ngữ đỉnh cao của âm nhạc thế giới. Kỳ vọng và một thông điệp mà những người thực hiện chương trình gửi gắm là: tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật. Từ hai mệnh đề trên, tôi đã xây dựng nên ý tưởng đầu tiên của chương trình cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi với tiêu chí cao nhất là nghệ thuật của Nhà hát Hồ Gươm”.

tien-si-le-y-linh-1714629100.jpg
Tiến sĩ Lê Y Linh - tác giả kịch bản chương trình. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản

Nhà hát Hồ Gươm cho biết, vào 2 đêm (2 và 3/05), lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm, gần 300 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công sẽ tham gia biểu diễn các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc viết về Điện Biên Phủ của các nhạc sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Các tác phẩm được lựa chọn trong chương trình cũng là những tác phẩm đã có đời sống và sự trường tồn cùng năm tháng, ghi đậm dấu ấn lịch sử và đồng hành cùng dân tộc. Đó cũng là những tác phẩm xuất sắc được trao Giải thưởng tại Đại hội Văn công Toàn quốc, lần thứ Nhất (1954).

Chương trình Nghệ thuật đặc biệt sẽ gồm hai phần:

Phần I: Chiến thắng: được mở đầu bằng tác phẩm Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, tiếp đó sẽ tái hiện lại không khí chiến thắng qua 4 tác phẩm được Giải thưởng tại Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ Nhất (1954) cùng một số ca khúc: Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận (Giải Nhì); Quê tôi giải phóng của Văn Chung (Giải Nhì); Mùa lúa chín của Hoàng Việt (Giải Nhì); Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn; Hò kéo pháo của Hoàng Vân (Giải Nhất); Bác đang cùng chúng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục.

Phần II: Hồi tưởng: Trong phần này, thông qua các tác phẩm khí nhạc để truyền đi thông điệp về Điện Biên Phủ - biểu tượng của một đất nước Việt Nam độc lập, làm chủ vận mệnh của mình trên con đường hội nhập và phát triển cùng thế giới. Phần hai sẽ gồm các tác phẩm: Fantaisie trên chủ đề bài hát Mừng Chiến thắng Tây Bắc của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng - tác phẩm đạt Giải Nhì - Giải thưởng tại Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ Nhất (1954), do Diran Tavityan - Bắc Macedonia phối khí, với sự xuất hiện của Pianist Bích Trà; tiếp đó là tác phẩm: Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Người chiến sĩ ấy của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cuối chương trình là bản Giao hưởng - Hợp xướng: Điện Biên Phủ, gồm 4 chương của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ê kíp thực hiện chương trình muốn thông qua âm nhạc, tái hiện lại hào khí chiến thắng và cả những hy sinh anh dũng của quân và dân trong Chiến dịch Điện Biên lịch sử. Đồng thời, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến dịch này.

Bằng ngôn ngữ thi ca và hình tượng âm nhạc, cùng diễn xuất của diễn viên, Chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện đầy sống động và nghệ thuật trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm - một “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.

TH