Bình đẳng giới trong thể thao ASEAN + Nhật Bản:

Việt Nam tạo điều tốt nhất cho phụ nữ tham gia thể thao

Chiều 4/7, tại Cục Thể dục thể thao đã diễn ra Cuộc họp trực tuyến về bình đẳng giới trong thể thao ASEAN + Nhật Bản. Tham dự cuộc họp, về phía Việt Nam có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao; bà Luyện Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế (Cục Thể dục thể thao); bà Đặng Thị Hồng Nhung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao.

hop1-1720089756.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - trả lời Cuộc họp trực tuyến về bình đẳng giới trong thể thao ASEAN + Nhật Bản. Ảnh: Bùi Lượng

Cuộc họp xoay quanh các vấn đề về chính sách cho thể thao, những hành động Việt Nam đã làm được trong bình đẳng giới về thể thao như: Nữ lãnh đạo thể thao, nữ vận động viên thể thao, những đặc quyền cho họ là gì, những ưu tiên cho họ là gì? Chính phủ Việt Nam, ngành Thể thao Việt Nam đã làm được gì thu hút giới nữ tham gia thể thao.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: Chính phủ Việt Nam có chủ trương khuyến khích phụ nữ tham gia các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng như trở thành các nhà quản lý thể thao. Nhiều chị em phụ trách các bộ môn thể thao, nhiều nữ vận động viên đạt được huy chương vàng, bạc, đồng không chỉ ở các giải trong nước và còn vươn tầm châu lục và thế giới. Trong thành phần của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 sắp tới có 12 nữ vận động viên trong tổng số 16 vận động viên. 

Thời gian qua, Cục Thể dục thể thao đã ký kết với một số trường Đại học như: Đại học Kinh tế, Đại học Đại Nam… cấp học bổng dành cho các nữ vận động viên. Các Trường Đại học Thể dục thể thao cũng có chính sách nhận nữ vận động viên theo học. Một số địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thực hiện các chế độ đãi ngộ chuyên biệt cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao của mình và có mức hỗ trợ tính theo chu kỳ giải đấu, Đại hội, nếu huấn luyện viên, vận động viên thể thao đạt thành tích. Duy nhất đơn vị Hà Nội bắt đầu áp dụng hỗ trợ 17 triệu đồng/người/tháng dành cho vận động viên đạt suất chính thức dự Olympic. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, các Liên đoàn, Hiệp hội, ngành Thể thao cũng tạo điều kiện việc làm cho các nữ vận động viên sau giải nghệ.

hop-2-1720089824.jpg
Cuộc họp trực tuyến về bình đẳng giới trong thể thao ASEAN + Nhật Bản. Ảnh: Bùi Lượng

Hằng năm, tại Việt Nam, có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Theo số liệu công bố cuối năm 2020 của Cục Thể dục thể thao, chỉ có 15-20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60-70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Đáng chú ý, phần lớn vận động viên giải nghệ để đến với những công việc ngoài lĩnh vực Thể thao thường gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Bởi đã dấn thân theo nghiệp thể thao từ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều vận động viên không được trang bị đầy đủ kiến thức văn hoá, chuyên môn, kỹ năng làm việc do phải thi đấu, tập luyện với thời gian không ổn định. 

Chia sẻ thêm với Trung tâm Nghiên cứu Thể thao và Bình đẳng giới Nhật Bản về vấn đề khởi nghiệp cho nữ vận động viên, bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết, có 3 yếu tố ảnh hưởng tới con đường khởi nghiệp của các vận động viên là: nguồn vốn hạn chế; kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, kỹ năng khởi nghiệp và trách nghiệm, cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Tất cả phần nào khiến công cuộc khởi sự doanh nghiệp của các nữ vận động viên càng gặp nhiều thách thức.

Thực tế, rất nhiều vận động viên đều ý thức được rằng quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp không nhiều và đều phải tính đến tương lai. Nguyễn Thị Thu Nhi (môn Boxing) cũng từng trải lòng về mối lo liên quan đến kỹ năng xã hội và quản lý kinh doanh. Chị cho biết, sau khi giải nghệ sẽ tập trung gây dựng cửa hàng thời trang thể thao, bắt đầu là môn Boxing rồi bổ sung sản phẩm liên quan các môn thể thao khác. Hay như chân chạy Huỳnh Thị Mỹ Tiên đang kinh doanh mô hình online về trang phục và phụ kiện tập luyện thi đấu cũng cho biết, về kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh cũng phải tự học hỏi, ngoài tập luyện thì quỹ thời gian dành cho các đơn hàng và cuộc sống cũng phải rất khó để cân bằng. 

vinh3-1720089894.jpg
Nữ vận động viên Trịnh Thu Vinh giành suất tham dự Olympic Paris. Ảnh: Bùi Lượng

Thấu hiểu được khó khăn, thách thức của vận động viên, nhiều chương trình hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp tương lai đã được tổ chức. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên. Trong khuôn khổ chương trình, nữ vận động viên được cung cấp một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp chị em tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công. Đồng thời nữ vận động viên được gặp gỡ, trò chuyện cùng các doanh nhân để lắng nghe kinh nghiệm, hiểu rõ thế mạnh của bản thân cũng như chia sẻ những lo lắng, trăn trở của bản thân trước hành trình khởi nghiệp trong tương lai.

Nhằm hỗ trợ nữ vận động viên nói riêng và phụ nữ trên cả nước nói chung trên hành trình khởi nghiệp, năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Là xu thế chung của thế giới, chuyển đổi xanh trong khởi nghiệp không chỉ dựa vào tài nguyên bản địa sẵn có mà cần có sự kế thừa, sáng tạo nhất định, thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng không gây hại tới môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Các nữ vận động viên bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc thì hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho tương lai - khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí và kỷ luật cao được hun đúc từ tập luyện, các nữ vận động viên sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Mai Anh