Tất nhiên là chỉ có Ronaldo và… cảm biến đặt bên trong quả bóng “thông minh” Al Rihla của Adidas mới biết rõ, tác giả thực sự của pha ghi bàn mở tỷ số trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha gặp Uruguay. Sau quả tạt bóng vào khung thành của Bruno Fernandes, Ronaldo đã bật rất cao để đánh đầu, nhưng dường như không chạm bóng. FIFA với các chuyên gia công nghệ và cả đống máy móc tinh vi cùng các camera giám sát bay vè vè, giám sát nhất cử nhất động, soi đến cả… sợi tóc của cầu thủ trên sân cũng đã công nhận, bàn thắng thuộc về Bruno Fernandes. Bảng tỷ số trên sân Lusail ban đầu hiện tên Ronaldo ngay sau đó cũng thay đổi theo kết quả Connected Ball.
Chuyện đã rõ ràng như vậy thì các fans hâm mộ và cả những chuyên gia vỉa hè còn mải tranh cãi về điều gì? Những bức ảnh được chụp ở nhiều góc độ cho thấy, dường như bóng đã khẽ sượt qua… một vài sợi tóc của Ronaldo trước khi đi vào lưới. Nhưng người yêu thích Ronaldo thì khăng khăng, đó đích thị là bàn thắng của CR7 và FIFA đã sai lầm khi không thừa nhận. Trang bị cho lắm máy móc, công nghệ để làm gì khi chính Bruno cũng đã thừa nhận, mục đích của anh là chuyền bóng cho Ronaldo ghi bàn. “Tôi đã nhận thấy Ronaldo di chuyển và có vị trí thuận lợi nên chuyền quả bóng đó cho anh ta ghi bàn. Điều quan trọng nhất là đội bóng đã giành chiến thắng, còn ai ghi bàn cũng thế cả thôi”.
Chỉ có những người không ưa Ronaldo là hả dạ với Connected Ball, nhân cơ hội này nhảy vào xỉ vả CR7 không tiếc lời trên các diễn đàn dành cho người hâm mộ. “Thật không biết xấu hổ, cậu ta phải biết rõ chưa chạm được vào bóng mà vẫn ăn mừng như thể đã ghi bàn”, hay “Nếu sợi tóc mà có thể ghi bàn thì có lẽ chẳng cầu thủ nào chịu cắt trọc đầu”…
Trong khi các fans hâm mộ bị chia rẽ bởi các dữ liệu có được từ cảm biến bên trong quả bóng Al Rihla và công nghệ Connected Ball có thể... đếm được tóc trên đầu Ronaldo thì Liên đoàn bóng đá Scotland lại đưa ra cảnh báo, các cầu thủ chớ nên lạm dụng đánh đầu vì có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ (Dementia) cao gấp 3,5 lần người bình thường. Thậm chí, các cầu thủ đội tuyển Scotland còn cấm các huấn luyện viên cho cầu thủ tập đánh đầu 1 ngày trước trận đấu trong khi các chuyên gia y tế khuyến cáo, hạn chế đánh đầu với các cầu thủ trẻ, đặc biệt là dưới 12 tuổi.
Connected Ball và cả những công nghệ tinh vi được tích hợp và sử dụng tại World Cup thêm một lần nữa chứng minh, những gì nhìn thấy bằng mắt thường chưa chắc đã là sự thật. Nhưng bóng đá vẫn cần có nhiều cảm xúc hơn là những phân tích máy móc và kết quả lạnh lùng từ công nghệ. Ronaldo chỉ cần đứng đó đủ để khiến thủ môn Sergio Rochet bị phân tâm, “hồn bay phách lạc” không lao ra phá bóng mà chọn cách đứng chôn chân trong khung thành chờ quả đánh đầu. Trúng hay trượt hoặc chỉ khẽ chạm nhẹ vào đầu sợi tóc thì Bồ Đào Nha cũng đã có bàn thắng để đánh bại Uruguay và đi tiếp vào vòng 1/8. Ronaldo nhờ vậy sẽ có thêm nhiều cơ hội để ăn mừng cùng đồng đội.
Xem bóng đá để giải trí, chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn màu của những bàn thắng cũng chẳng cần quá máy móc hay công nghệ linh tinh, cãi nhau chỉ càng thêm mệt não.