Các vận động viên Đại học phải chịu áp lực từ nhiều nguồn khác nhau. Họ được yêu cầu tham gia các buổi tập luyện hàng ngày kéo dài, đi đến các sự kiện xa xôi vào những thời điểm khác nhau và duy trì mức điểm trung bình đủ cao. Thêm vào áp lực này là tác động tiềm ẩn của việc đưa tin của các phương tiện truyền thông. Vận động viên có thể bị các phóng viên thể thao địa phương “giám sát”, những người được cho là khách quan trong việc đưa tin về các vận động viên, khiến một số cảm thấy áp lực khi truyền thông đưa ra dự đoán dựa trên thành tích và số liệu thống kê của họ. Nhiều phương tiện truyền thông có thể đưa ra những kỳ vọng không thực tế về thành tích thi đấu của vận động viên bằng cách nhấn mạnh tới những "ngôi sao" khiến các vận động viên nói chung bị sức ép tâm lý phải thi đấu ở một cấp độ tương tự như vậy mới được đánh giá cao.
Đôi khi có những vận động viên thi đấu không tập trung. Sự xao lãng của các vận động viên có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm: sự hiện diện của người thân mà họ muốn gây ấn tượng, các vấn đề về gia đình hoặc mối quan hệ, đồng đội và các đối thủ cạnh tranh, huấn luyện viên, thành tích thấp hoặc thành tích cao bất ngờ, thất vọng vì sai lầm, trọng tài đưa ra quyết định sai lầm, thay đổi các mô hình quen thuộc và những lời chỉ trích bất công... Việc đưa tin của truyền thông cũng có thể trở thành một sự xao lãng tiêu cực đối với các vận động viên. Thắng hay thua, thành tích và cuộc sống của một vận động viên thường xuyên được truyền thông công khai bàn luận và phê bình. Chiến thắng mang lại những câu chuyện quá mức tôn vinh vận động viên và có thể khiến người hâm mộ (và bản thân vận động viên) đặt kỳ vọng cao cho các màn trình diễn hoặc thi đấu trong tương lai. Ngược lại, thua cuộc sẽ mang lại những tin tức tiêu cực, những lời chỉ trích và phản ứng dữ dội.
Những nhận thức tiêu cực của vận động viên về thành tích hoặc hành vi của họ chính là trở ngại để đạt được thành công. Nhận thức của vận động viên về thành tích dự kiến của họ có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực như việc sử dụng và cường điệu hóa quá mức của truyền thông. Sự cường điệu của giới truyền thông có thể cung cấp cho vận động viên cơ hội để bào chữa cho thành tích không đạt yêu cầu, cuối cùng có thể hoạt động theo cách giảm thiểu trách nhiệm của vận động viên đối với việc thi đấu kém và thua cuộc trong một sự kiện hoặc cuộc thi quan trọng. Do đó, việc tự cản trở bản thân cho phép vận động viên thao túng nguyên nhân của thất bại, thua lỗ hoặc thành tích kém.
Việc xem tivi, nghe radio thể thao và / hoặc đọc tin tức thể thao trên báo chí Internet khiến các vận động viên có thể cảm thấy áp lực hơn để thi đấu tốt hơn - đạt đến tiêu chuẩn của các vận động viên được đề cập trên phương tiện truyền thông - và do đó bị căng thẳng về tâm lý.
Những phát hiện ở đây cho thấy, việc sử dụng phương tiện truyền thông có thể đóng một vai trò trong nhận thức bản thân của vận động viên. Trong hầu hết các trường hợp, vai trò này là tích cực như giảm mức độ căng thẳng cho vận động viên. Các vận động viên sinh viên thường xuyên đọc tin tức thể thao trên báo chí có xu hướng ít lo lắng hơn về việc luôn phải thể hiện hết mình, về việc để cảm xúc chi phối hoặc cố gắng ngủ nhiều nhất có thể. Việc sử dụng báo chí và Internet còn là một sự giải trí cho các vận động viên sinh viên, một cách để thư giãn và giải phóng căng thẳng liên quan đến thành tích của chính họ.
Mặc dù, việc sử dụng phương tiện truyền thông có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích thi đấu của vận động viên, nhưng các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có thể được sử dụng để rèn luyện hoặc phát huy hết khả năng của vận động viên. Bằng cách giảm mức độ căng thẳng của các vận động viên, truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy và ảnh hưởng tích cực đến hành vi của họ.