Dù đã giành chiến thắng ở 15 giải major, nhưng chỉ khoảng 10% tài sản trị giá 1,7 tỉ USD của Tiger Woods đến từ các khoản tiền thưởng khi thi đấu golf. Phần lớn tài sản của ông là từ các hợp đồng đại sứ thương hiệu khổng lồ với nhiều nhãn hàng lớn như Gatorade, Monster Energy, TaylorMade, Rolex, Nike… Một số thương hiệu đã ký hợp đồng với ông từ năm 1996 và vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Woods.
Woods cũng đã sử dụng địa vị và thu nhập của mình để mở rộng sang một loạt các dự án kinh doanh, bao gồm thiết kế sân golf, nhà hàng… Woods còn đầu tư vào Full Swing, một công cụ đào tạo công nghệ chơi golf; Heard, một công ty khởi nghiệp phần mềm khách sạn; và PopStroke, một trải nghiệm chơi golf mini sang trọng với bốn địa điểm ở Florida và có kế hoạch mở thêm nhiều địa điểm mới trên khắp nước Mỹ vào năm 2022. Woods cũng được xác định là đối tác trong một SPAC (công ty thành lập với mục đích đặc biệt) được công bố vào tháng 1. Ông cũng đầu tư cùng với tỷ phú người Anh, Joe Lewis, vào tập đoàn nghỉ dưỡng Tavistock Group.
Woods cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các giải đấu. Vào đầu những năm 2000, theo cựu chủ tịch CBS- Neal Pilson, khán giả truyền hình sẽ giảm từ 30% đến 50% khi Woods không dự giải. “Vía” của Woods đã góp phần giúp PGA Tour tăng doanh thu lên gần gấp ba lần từ năm 1996 đến năm 2008. Ở thời kỳ đỉnh cao, Woods là vận động viên kiếm nhiều tiền nhất trong lịch sử, với thu nhập 100 triệu USD mỗi năm. Ông giữ vị trí số 1 trong danh sách vận động viên được trả lương cao nhất của Forbes trong mười năm liên tiếp, tính đến 2012.
Sau vụ tai nạn năm 2009, thành tích của Woods có phần sút giảm. Nhưng việc Woods chiến đấu để vượt qua hậu quả thảm khốc của nó lại khiến người hâm mộ và các nhà tài trợ ủng hộ Woods nhiều hơn. Tinh thần kiên cường tiếp tục mang lại cho ông sự giàu có, dù ông có dùng gậy đánh golf nữa hay không.