Chiều 28/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT quý I/2022, trong đó nổi bật là các thông tin về việc NLĐ nhận BHXH một lần, giải quyết chế độ ốm đau đối với người mắc COVID-19, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tính đến hết quý I/2022, đã có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); trên 13,4 triệu người tham gia BHTN, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2021; trên 85,3 triệu người tham gia BHYT đạt 87,44% dân số.
"Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, trong quý I/2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN", ông Đào Việt Ánh khẳng định.
Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho trên 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021; trên 308.000 lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199.000 lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 27,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT…
Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã cung cấp một số thông tin về chính sách BHXH đang được dư luận xã hội quan tâm như: Những thiệt thòi cho NLĐ khi rút BHXH một lần, kết quả giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ mắc COVID-19 trong quý I/2022. Cùng với đó là thông tin về tình hình triển khai, kết quả thực hiện ở một số lĩnh vực cụ thể của ngành BHXH Việt Nam như: Công tác thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh; việc triển khai liên thông cơ sở dữ liệu với Bộ Công an và kết quả bước đầu thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT; công tác thanh tra, kiểm tra của ngành theo phương thức điện tử.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Về vấn đề gia tăng số lượng người lao động nhận BHXH một lần, BHXH Việt Nam khuyến cáo, việc nhận BHXH một lần là "lợi trước mắt, hại lâu dài". Bởi lẽ, ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Cụ thể khi được hưởng lương hưu NLĐ được hưởng các quyền lợi:
Về lương hưu: NLĐ được hưởng tiền lương hưu hằng tháng. Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn, nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Về quyền lợi BHYT: Người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình họ.
Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu. Và ngay cả khi qua đời, thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất, trong khi người hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH đánh mất đi cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn.
Về vấn đề sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNEID thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của BHXH. Tính đến nay, số lượng xác thực lấy số căn cước công dân là khoảng 48 triệu trường hợp, số xác thực thành công là khoảng 32 triệu.
BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 4.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp với khoảng 40.000 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.