Chuyện về những tình nguyện viên ở Thế vận hội Paris

Tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng đối với bất cứ kỳ đại hội thể thao quốc tế nào. Olympic Paris 2024 cũng không phải là ngoại lệ, khi câu chuyện về lực lượng này cũng cho thấy một lát cắt rất thú vị và đặc trưng về nước Pháp nói chung và sự kiện thể thao này nói riêng.

Ban Tổ chức thông báo có tổng cộng 45.000 tình nguyện viên được tuyển chọn cho Olympic Paris và Paralympic Paris 2024, trong đó, tình nguyện viên cho Olympic Paris là 30.000 người. Tiêu chí để làm tình nguyện viên tại Thế vận hội Paris tưởng chừng có vẻ rất đơn giản: ít nhất 18 tuổi tính đến ngày 1/1/2024, nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, có ít nhất 10 ngày rảnh rỗi trong mùa hè 2024. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại hoàn toàn khác.

Tính đến tháng 5/2023, đã có đến trên 300.000 người đăng ký làm tình nguyện viên cho Olympic Paris và Paralympic Paris 2024. Và vì thế, công việc tuyển chọn của Ban Tổ chức trở nên không dễ dàng.

tinh-nguyen-vien-8824-1-1723165246.jpg
Một tình nguyện viên của Olympic Paris 2024 làm việc trong giờ nghỉ trận chung kết đơn nữ cầu lông tại Nhà thi đấu Porte de la Chapelle Arena

Một tình nguyện viên là người Pháp gốc Việt đã có hơn 40 năm sống ở Paris cho biết anh đã trải qua 3 vòng phỏng vấn để trở thành tình nguyện viên của Olympic Paris 2024, trong đó vòng cuối cùng là quan trọng nhất. Trong vòng này, có tới 3 người hỏi luân phiên với hơn 100 câu hỏi tưởng chừng không hề liên quan tới nhau, nhưng thực ra lại gắn kết rất chặt chẽ, bởi chỉ cần trả lời không đúng câu này thì sẽ dẫn tới việc không khớp với câu khác.

Nói cách khác, vòng phỏng vấn này chặt chẽ và khắt khe không khác mấy so với kỳ phỏng vấn xin visa vào những quốc gia được đánh giá là không dễ dàng cho khách du lịch nhập cảnh. Tuy thế, có một chi tiết rất đáng nói là tình nguyện viên này tuy được phỏng vấn kỹ lưỡng như vậy, và có lợi thế là thông thạo tiếng Việt bên cạnh tiếng Pháp, nhưng ban đầu lại được điều vào làm việc cho một đoàn thể thao tới từ Trung Đông, khiến anh không có cơ hội sử dụng lợi thế tiếng Việt của mình.

Trong khi đó, một tình nguyện viên khác cũng là người Pháp gốc Việt cho biết yêu cầu bắt buộc khi muốn trở thành tình nguyện viên Olympic Paris và Paralympic Paris 2024 là phải có một lá thư tự giới thiệu, trong đó ngoài việc trình bày những kỹ năng của mình thì người ứng cử cũng phải đưa ra những lý do thích hợp để thuyết phục Ban Tổ chức trao quyền trở thành tình nguyện viên của Olympic cho mình.

Một tình nguyện viên khác cũng là người Việt Nam thì không trúng ở vòng tuyển chọn ở Hà Nội do Đại sứ quán Pháp tổ chức, nhưng khi sang châu Âu, anh lại được chọn làm tình nguyện viên Olympic Paris và Paralympic Paris 2024 nhờ đăng ký từ một quốc gia châu Âu khác là láng giềng của nước Pháp.

Quyền lợi mà các tình nguyện viên nhận được ở Thế vận hội đúng chất tinh thần tình nguyện, khi ngoài quần áo giày mũ được cấp phát (gồm 4 áo ngắn tay, 2 quần, 1 áo khoác, 1 áo gile và 1 đôi giày), thẻ đi tàu điện ngầm (có thời hạn sử dụng tới ngày 14/8/2024, tức 3 ngày sau khi kết thúc Thế vận hội) và 1 bữa ăn thì họ sẽ tự trang trải các chi phí khác, mà trong đó đặc biệt đáng kể là chi phí phòng ở, vì giá phòng khách sạn ở Paris trong dịp Thế vận hội lên tới 100 euro/đêm hoặc hơn. Bên cạnh đó, do chỉ được cấp 1 đôi giày nên một số tình nguyện viên phải tự mua thêm giày có màu tương tự để sử dụng luân phiên nếu cần.

Điểm đặc biệt nữa trong công việc của các tình nguyện viên ở Olympic Paris và Paralympic Paris 2024 là họ được có 1 ngày nghỉ trong tuần và được quyền dừng công việc bất cứ khi nào không thể tiếp tục, chỉ cần báo trước thời điểm cho người quản lý. 

Lực lượng tình nguyện viên tại Olympic Paris 2024 rất đông đảo, phụ trách nhiều công việc khác nhau. Họ đều được huấn luyện cho từng hạng mục nhiệm vụ cụ thể, nhưng có tới 80% quân số tình nguyện viên là thanh niên trẻ trung. 20% còn lại là những người trung niên, người cao tuổi hoặc người tàn tật, để đúng với tinh thần dành cho tất cả mọi người của Thế vận hội.