Cần cách tiếp cận mới, tư duy mới, chọn khâu đột phá trong thực hiện công nghiệp văn hóa

Sáng 14/7, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về Công nghiệp văn hóa.

Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị liên quan.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, sau quá trình triển khai, cần tổng kết, nhìn lại chúng ta đã làm được gì, công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang ở vị trí nào, từ đó có những tham mưu, trình Chính phủ ban hành văn bản mới về công nghiệp văn hóa.

1-1689385118.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về Công nghiệp văn hóa

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ VHTTDL tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tổng kết đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về thực hiện công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trực tiếp chỉ đạo Cục Bản quyền tác giả là cơ quan thường trực chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ liên quan để tổ chức Hội nghị.

Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị đóng góp ý kiến để chuẩn bị cho Hội nghị, đặc biệt là Bộ VHTTDL sẽ tham mưu Chính phủ ban hành văn bản mới.

Bộ trưởng gợi mở bằng câu hỏi "Công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có đột phá chưa? Điểm nhấn của công nghiệp văn hóa là gì?". Để trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho rằng, không thể "dàn hàng ngang mà tiến", phải chọn việc, chọn điểm, chọn khâu đột phá, có điểm nhấn và để làm điều này cần cách tiếp cận mới, tư duy mới trong thực hiện công nghiệp văn hóa.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2023 với hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Hội nghị nhằm đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2018-2022, trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá qua các nguồn thu thập số liệu, dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; Xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đề xuất, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới, làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ báo cáo dự thảo "Nghị quyết đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" trình Chính phủ ban hành.

Góp ý kiến tại buổi làm việc, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, trong thực hiện công nghiệp văn hóa, còn những hạn chế. Báo cáo của Bộ phải chỉ ra nguyên nhân những hạn chế này, từ đó kiến nghị những giải pháp để thực hiện.

Cho rằng, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện công nghiệp văn hóa, bà Ninh Thị Thu Hương đề xuất mời thêm các chuyên gia quốc tế tại các quốc gia thực hiện thành công công nghiệp văn hóa tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

2-1689385145.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Cần cách tiếp cận mới, tư duy mới trong thực hiện công nghiệp văn hóa"

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho rằng, một trong những điểm yếu trong thực hiện công nghiệp văn hóa của chúng ta là tính liên ngành, bên cạnh đó là việc thiếu công cụ để đo lường những kết quả của công nghiệp văn hóa.

Theo bà Phương Hòa, nhận thức của các địa phương về công nghiệp văn hóa đã nâng lên nhiều. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng trong thực hiện như Hà Nội có đề án thành phố sáng tạo. Để có đột phá trong thực hiện, bà Phương Hòa cho rằng cần chọn lĩnh vực trọng tâm là điện ảnh, âm nhạc, thời trang… đồng thời phải có những giải pháp khích lệ sáng tạo.

Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc của lãnh đạo Cục Điện ảnh, Cục Di sản văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn… đồng thuận việc chọn những lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn để thực hiện công nghiệp văn hóa, đồng thời cần tổng hợp những khó khăn, đề xuất các giải pháp để Chính phủ tháo gỡ.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, hiện còn ít số liệu đánh giá, thể hiện được sự tăng trưởng của công nghiệp văn hóa Việt Nam, do thiếu công cụ đo lường. Đây là một vấn đề cần sự chỉ đạo của Chính phủ và thống nhất trong thực hiện. Thứ trưởng cho rằng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia lân cận trong thực hiện công nghiệp văn hóa thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện Báo cáo.

Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tiên cần phải tập trung thực hiện là báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa Việt Nam, triển khai nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Từ cơ sở dự thảo Kế hoạch tổ chức, cần rà soát lại mục đích, yêu cầu tổ chức Hội nghị.

Bộ trưởng yêu cầu, tập trung rà soát dự thảo Nghị quyết, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết 29 BCH Trung ương ban hành ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, nhiệm vụ số 10 của Nghị quyết đề cập đến công nghiệp văn hóa: "Hình thành môi trường văn hóa số. Phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch".

"Đề nghị các cơ quan nghiên cứu, căn cứ vào trụ cột này để thực hiện dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng để tập trung thực hiện công nghiệp văn hóa"- Bộ trưởng yêu cầu.

Nghị quyết phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm, có lợi thế. Trên cơ sở lợi thế từ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc lựa chọn để làm, góp phần quảng bá, phát triển văn hóa.

3-1689385246.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng lấy ví dụ một ban nhạc Hàn Quốc có đóng góp gấp 20 lần tập đoàn Hyundai, hay búp bê truyền thống của Nhật Bản nổi tiếng thế giới. Họ đều thành công dựa trên văn hóa của quốc gia. Những người làm văn hóa Việt Nam đã trăn trở về điều này hay chưa?- Bộ trưởng nêu vấn đề.

Từ trọng tâm, trọng điểm đó, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục khẳng định du lịch văn hóa là thế mạnh, và tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng của nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống trở thành nền công nghiệp, lợi thế là Múa rối, rối nước, Tuồng…

"Với nghệ thuật đương đại dựa trên truyền thống văn hóa Việt Nam, hình thành các ban nhạc Việt Nam để có thể ra được thế giới. Vì sao giới trẻ thần tượng các nghệ sĩ nước ngoài, chúng ta có lỗi không, có trăn trở không?"- Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng cũng gợi mở: Đối với di tích, di sản, công nghiệp văn hóa là biến di tích di sản trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Đối với Báo cáo tổng quát của Bộ tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là tập hợp được các số liệu, căn cứ trên chỉ tiêu đặt ra của Chiến lược, đến thời điểm này có đạt mục tiêu đặt ra không. Phải có công cụ đo lường, bộ chỉ số đánh giá đúng thực trạng, từ đó tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, phương hướng nhiệm vụ, vai trò của nhà nước, huy động nguồn lực xã hội.

Từ những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng giao thành lập Tổ biên tập rà soát lại Dự thảo Nghị quyết gồm lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Kế hoạch tài chính; Tổ biên tập Báo cáo tổng quát tại Hội nghị gồm lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Văn phòng Bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Bản quyền.

"Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị phối hợp thực hiện với tinh thần tập trung, hiệu quả, đảm bảo chất lượng dự thảo Nghị quyết, Báo cáo tổng quát, đảm bảo Hội nghị diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả"- Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ VHTTDL