70% khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á

Tổng cục Du lịch cho biết: Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 763,9 nghìn lượt, tương đương 26%, tiếp theo là Mỹ với 266,1 nghìn lượt, chiếm 9%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2022, Việt Nam đón 569,9 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Thị trường châu Âu tăng trưởng rất tốt, tăng 48,2%, trong đó Pháp tăng 73,2%; Nga tăng 55,5%; Anh tăng 37,7%; Đức tăng 36,8%. Thị trường châu Mỹ tăng 22%; châu Á tăng 20%.

dl-1670250611.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Trong tổng số 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 có 2,1 triệu lượt đến từ khu vực châu Á (chiếm 70,3%); 0,42 triệu từ châu Âu (11,1%); 0,32 triệu từ châu Mỹ (chiếm 10,9%); 0,13 triệu từ châu Úc (4,4%) và 0,01 triệu từ châu Phi (0,3%). Khách Hàn Quốc đóng góp 37% tổng số khách châu Á; Đông Nam Á đóng góp 34,7%. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11/2022, Việt Nam đón 27 nghìn khách từ Ấn Độ, tăng 31% so với tháng trước và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 109 nghìn lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam Tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 49%/tháng. Kết quả này cho thấy sức tăng trưởng rất tốt của thị trường tiềm năng này, nhờ vào các hoạt động tích cực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường Ấn Độ và các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của 2 nước được kết nối và mở rộng. 

Số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn nhiều so với con số cả năm 2019 - thời điểm trước khi dịch xảy ra. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cao hơn 12 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Lượng tìm kiếm về hàng không cao gấp 4 lần so với đầu tháng 3/2022. Các điểm đến của Việt Nam được quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Huế, Phan Thiết. 

Các quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm Mỹ, Singapore, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, Anh và Canada. Nguồn cầu từ Mỹ nhiều nhất đến từ các bang California, Texas, New York, Washington, Illinois. 
Khách quốc tế toàn cầu tiếp tục hồi phục

Theo Hàn thử biểu du lịch thế giới số ra tháng 11/2022 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách quốc tế toàn cầu tiếp tục hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đạt khoảng 700 triệu lượt, tương đương 63% so với mức trước đại dịch. Châu Âu có mức hồi phục tốt nhất trong 9 tháng năm 2022, đón 477 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 68% tổng lượng khách quốc tế toàn cầu, đạt 81% so với năm 2019. Tiếp theo là Trung Đông với 77%. Nguồn cầu từ Úc nhiều nhất đến từ New South Wales, Victoria, Queensland, Western Australia. Lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ trong tháng 11/2022 tăng khoảng 20% so với tháng 10/2022. Nguồn cầu lớn nhất đến từ thủ đô Delhi và bang miền tây Maharashtra. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hội An là những địa điểm được người Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất

Châu Á Thái Bình Dương vẫn trầm lắng, chỉ đạt 17% so với mức năm 2019. Nhiều thị trường quan trọng mở cửa khá muộn, hoặc mở cửa vẫn kèm theo điều kiện khi nhập cảnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trung Quốc - thị trường outbound lớn nhất thế giới vẫn chưa mở cửa. UNWTO dự báo năm 2022, lượng khách quốc tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 900 triệu lượt, tương đương 65% mức trước đại dịch. Tuy nhiên, UNWTO cảnh báo các thách thức như lạm phát cao, giá năng lượng biến động, kinh tế khó khăn, xung đột Nga - Ukraine… có thể làm chậm lại tốc độ phục hồi của du lịch.

P.V