Tình nguyện viên SEA Games 31: Cầu nối lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới

SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố từ ngày 12 đến 23/5. Tại các nơi thi đấu hay địa điểm lưu trú của quan khách, vận động viên dự Đại hội đều thấy bóng dáng những tình nguyện viên áo xanh tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các đoàn thể thao nước ngoài. Lực lượng này góp phần giúp sự kiện thể thao lớn nhất khu vực thành công và cũng là cầu nối lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới.

2021-1652928751.jpg
Các sinh viên là tình nguyện viên phụ trách hỗ trợ trên sân bóng rổ tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì. Ảnh: VHT

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ

Ông Nguyễn Hải Đường, Phó trưởng Tiểu ban Lễ tân - Khánh tiết SEA Games 31 cho biết, Ban Tổ chức đã tuyển chọn, đào tạo và bàn giao 3.000 tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31. Trong số này, khoảng 1.100 tình nguyện viên hỗ trợ ở các tỉnh, thành phố đồng tổ chức, còn lại 1.900 người hoạt động tại Hà Nội.

Để có được đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu, ngay từ đầu năm Ban Tổ chức Đại hội đã làm việc với 2 trường Đại học lớn tại Hà Nội để tuyển chọn tình nguyện viên. Tiêu chuẩn được đặt ra đối với các tình nguyện viên là có ngoại hình khá, khả năng ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm và phải đảm bảo về mặt sức khỏe. Công việc của các tình nguyện viên thường là: dẫn đoàn thể thao quốc tế, hỗ trợ các khách VIP, lễ tân, hướng dẫn khách ngồi trên khán đài, MC trao giải thưởng, phiên dịch tại các cuộc họp báo...

Tại các Nhà thi đấu Thanh Trì (Hà Nội), diễn ra môn thi đấu bóng rổ nội dung 3x3 và 5x5 của cả nam và nữ diễn ra từ ngày 13 đến 22/5. Trong các ngày kể trên, gần như ngày nào cũng có trận thi đấu giữa các đội tuyển. Vì thế, bên cạnh thành viên Ban Tổ chức thì các tình nguyện viên cũng hoạt động hết công suất.

Theo chia sẻ của Nguyễn Tất Thành - sinh viên năm thứ 3 Đại học Hà Nội - được tuyển chọn làm tình nguyện viên cho SEA Games 31 với em là một niềm vinh dự và tự hào. Em cho rằng đây là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ với những người bạn quốc tế cũng như đóng góp sức trẻ của mình cho một sự kiện ý nghĩa.

Nguyễn Tất Thành cho biết, công việc của em là dẫn đoàn bóng rổ của Philippines đi tập luyện và thi đấu. Em sẽ phụ trách các việc như: đón xe tại khách sạn, đảm bảo đoàn di chuyển đến địa điểm thi đấu đúng giờ hay đưa đoàn thi đấu trở lại khu vực nghỉ sau khi trận đấu kết thúc. “Tuy mệt nhưng em cũng rất vui vì đã giúp đỡ được những vận động viên, huấn luyện viên quốc tế khi sang thi đấu tại quê hương mình”, Thành thổ lộ.

Có cùng suy nghĩ, sinh viên Lương Trung Hiếu - tình nguyện viên tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì - chia sẻ, qua kỳ SEA Games 31 em mong muốn có thêm những kinh nghiệm sống qua việc làm quen với những bạn bè quốc tế. Ngoài ra, từ công việc em cũng đang làm một “đại sứ” văn hóa, du lịch giúp các vận động viên, du khách quốc tế có một cái nhìn về văn hóa và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách và thân thiện với nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon. Để làm tốt công việc của mình là phiên dịch cho Đội tuyển bóng rổ Malaysia, em đã dành dụm tiền mua các tài liệu bằng tiếng Anh về môn bóng rổ để đọc, giúp việc dịch sát nghĩa hơn.

Lương Trung Hiếu trải lòng, khi đội tuyển có lịch thi đấu, em phải dậy từ 5 giờ sáng, sau đó cùng đội tuyển di chuyển đến Nhà thi đấu, rồi thường trực ở đó gần như cả ngày để hỗ trợ ban huấn luyện và các cầu thủ. Quá trình thực hiện công việc của mình em cũng có thể kết hợp xem và cổ vũ cho các đội thi đấu. Ban đầu khi thực hiện công việc phiên dịch của mình, em thấy khá căng thẳng vì sợ sẽ có sai sót, gây ảnh hưởng tới sự kiện. Nhưng được sự động viên của Ban Tổ chức và các bạn bè em đã dần tự tin và làm tốt công việc của mình. Đây thực sự là một trải nghiệm rất vui và mới mẻ với em.

Còn Phạm Minh Thư - Đại học Tài chính, là tình nguyện viên SEA Games 31 tại Trung tâm Thể thao quận Bắc Từ Liêm - nơi diễn ra thi đấu bộ môn Pencak Silat. Em có dáng hình chuẩn, khuôn mặt ưa nhìn nên được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho Ban Tổ chức trong việc trao huy chương cho các vận động viên đạt thành tích tốt tại các nội dung thi đấu. Thư kể, lúc bưng khay đựng huy chương để đại diện Ban Tổ chức trao cho các vận động viên đoạt giải, em cũng rất hồi hộp. Lúc đó không khí rất thiêng liêng khi khi quốc ca, quốc kỳ của các nước được cử lên. Em luôn tự nhủ phải thật bình tĩnh làm tốt công việc, không thể để xảy ra bất cứ sai sót nào.

Vì một SEA Games ý nghĩa

2022-1652928750.jpg
Các tình nguyện viên phụ trách hỗ trợ trên sân bóng rổ tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì. Ảnh: V.H.T

Nhiều sinh viên - tình nguyện viên chia sẻ, dù phải đối mặt với một số khó khăn trong quá trình phục vụ SEA Games 31 nhưng các bạn luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía nhà trường và gia đình. Với các bạn những giây phút được làm việc cống hiến cho SEA Games 31 sẽ là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ và ý nghĩa của tuổi trẻ.

Trong suốt quá trình thi đấu, công việc của các tình nguyện viên tại SEA Games 31 được thực hiện với cường độ cao khi liên tục phải quan sát, chú ý để xử lý các tình huống kịp thời. Công việc cụ thể của các tình nguyện viên tại sự kiện thường sẽ là các hoạt động: hỗ trợ chuẩn bị thi đấu, trực tại sân vận động, dẫn đoàn thể thao các nước tham dự hoặc hỗ trợ các công việc phiên dịch cho ban huấn luyện. Các công việc đều bắt đầu từ rất sớm và kết thúc vào tối muộn. Tuy vất vả nhưng những nụ cười và niềm vui vẫn luôn hiện lên trên nét mặt của các tình nguyện viên.

Bà Nguyễn Thị Minh Hoa - Giám đốc Nhà thi đấu huyện Thanh Trì - nhận xét, tôi khá hài lòng về các tình nguyện viên SEA Games 31. Các em, tuy còn trẻ nhưng có vốn tiếng Anh khá tốt, phông văn hóa rộng, tự tin giao tiếp nên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp rất tích cực cho mỗi trận đấu diễn ra thành công.

Có thể khẳng định, những hình ảnh đẹp của màu áo xanh tình nguyện càng khẳng định tinh thần xung kích của tuổi trẻ Thủ đô; xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế; hướng tới cùng thành phố tổ chức một kỳ SEA Games 31 thành công.

H.T-M.K