Thế vận hội 2024: Hứa thật nhiều và thất hứa thật nhiều!

Kể từ khi Paris khởi động chiến dịch đăng cai Thế vận hội 2024 và giành được quyền vào năm 2017, dự án đã trải qua nhiều thay đổi bởi Ban Tổ chức và chính quyền địa phương. Từ giá vé đến các vấn đề môi trường, nói thì dễ nhưng làm thì khó…

65dcd898aae41f2d7b4daea3-paris-olympics-p-1080-1717672863.jpeg

Ban Tổ chức Paris 2024 đã sửa đổi kế hoạch ban đầu của họ nhiều lần. Một trong những lời hứa chưa được thực hiện đáng kể nhất kể từ năm 2017 là giá vé phải chăng. Thực tế, giá vé của Thế vận hội 2024 cao hơn gấp đôi so với Rio 2016 (Thế vận hội gần đây nhất có khán giả). Vé cho Thế vận hội ở Thủ đô Brazil có giá từ 12 euro, trong khi ở Paris, giá vé thấp nhất là 24 euro. Một buổi thi đấu điền kinh cuối cùng có giá (ít nhất) 125 euro, mức giá này không hề là phải chăng, vì người hâm mộ Olympic thường muốn theo dõi nhiều sự kiện cùng một lúc.

Một khía cạnh khác khiến khả năng tiếp cận sự kiện bị nghi ngờ là Lễ khai mạc chưa từng có trên sông Seine - nơi đã trải qua những thay đổi đáng kể, đặc biệt là về số lượng khán giả có thể xem trực tiếp. Sự kiện này đã biến đổi từ một sự kiện lớn thể hiện sự vĩ đại của nước Pháp với khoảng 600.000 người (và nửa triệu vé miễn phí) thành 220.000 người, với số lượng vé trả phí tương tự. Điều đó có nghĩa là giảm 400.000 vé miễn phí (khoảng 20% so với những gì đã hứa). Tệ hơn nữa, vé miễn phí sẽ không được phân phối bằng hình thức xổ số như dự kiến ban đầu, mà do chính quyền và Ban Tổ chức trực tiếp phân phối - cho các mối quan hệ của họ, tất nhiên rồi.

Khẩu hiệu "Thế vận hội tài trợ cho Thế vận hội" mà Chính phủ Pháp đã sử dụng trong nhiều tháng, cũng sẽ không được thực hiện. Các cấp chính quyền Pháp đã đầu tư hơn 2,4 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng, các công trình đô thị và thậm chí cả phòng thí nghiệm chống doping. Chi phí cuối cùng để tổ chức Thế vận hội lần thứ ba tại Pháp vẫn chưa được biết, nhưng người ta chắc chắn rằng gần đây đã có những khoản tăng thêm (an ninh, tiền thưởng cho quan chức, các lĩnh vực khác tận dụng cơ hội để đảm bảo mức lương mong muốn…). "Sẽ không có thuế Olympic nhưng mọi thứ sẽ đến từ nguồn tiền công, là sản phẩm của thuế trực tiếp và gián tiếp do người nộp thuế trả, cũng như bất kỳ khoản nợ nào phát sinh", Tổng thống Macron nhắc lại.

Ông Pierre Moscovici - Chủ tịch Viện Kiểm toán Cộng hòa Pháp - gần đây ước tính tổng đầu tư công sẽ từ 3 đến 5 tỷ euro. Câu trả lời cuối cùng sẽ có sau sự kiện, nhưng sự khác biệt giữa chi tiêu 3 tỷ euro và 5 tỷ euro (nếu đó là ngân sách tối đa) là hơn 65%, một con số đáng kể trong phép tính cơ bản đối với bất kỳ người bình thường nào.

Mặc dù, trong hồ sơ đăng cai tuyên bố rằng, "tất cả người sở hữu vé đều có thể di chuyển miễn phí trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong khu vực Paris vào ngày thi đấu của họ", giống như trường hợp của nhiều sự kiện lớn (Nga 2018 và Qatar 2022, chưa kể những sự kiện khác), nhưng điều này cuối cùng sẽ không xảy ra. Cơ quan Giao thông Vận tải Vùng Paris đã công bố giá vé đặc biệt cho Thế vận hội: 4 euro cho 1 vé metro đơn! Tăng gần gấp đôi giá hiện tại, được cho là hợp lý do lưu lượng vận chuyển công cộng tăng 15% trong sự kiện, như thể việc tăng người sử dụng metro có thể hợp lý hóa việc tăng giá vé như vậy.

Một trường hợp khác là bơi lội. Một trong số ít các cơ sở thể thao được xây dựng đặc biệt cho Thế vận hội là Trung tâm Thể thao dưới nước Olympic (OAC) ở Saint Denis, bên cạnh Stade de France. Khu Liên hợp hoàn toàn mới này sẽ không tổ chức các nội dung thi đấu của môn Bơi vì hạn chế ngân sách đã làm giảm sức chứa xuống còn 5.000 khán giả, chỉ bằng một phần ba so với yêu cầu của World Aquatics cho một cuộc thi bơi quốc tế. Kết quả? Một sân vận động đã được xây dựng nhưng sẽ không được sử dụng cho mục đích dự định của nó. Ai trả tiền cho nó? Tất nhiên là người đóng thuế. OAC sẽ tổ chức các môn Water Polo, Bơi nghệ thuật và Nhảy cầu, trong khi các "ngôi sao" bơi sẽ phải di chuyển sang phía bên kia Thủ đô, đến La Defense Arena - nơi các bể bơi tạm thời được dựng lên để tổ chức các cuộc thi đấu của một trong những môn thể thao chính tại Thế vận hội.

Lời hứa khác mà Ban Tổ chức vẫn tự hào là về tác động môi trường của Thế vận hội. Họ hứa rằng, nó sẽ "tích cực", với những ý tưởng cao đẹp về việc bù trừ lượng khí thải CO2 xuống mức trung hòa, nhưng giờ đây họ cũng đã “quay xe”. Thay vào đó, Ban Tổ chức đang nhắm đến mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2 với việc tính toán như sau: một phần ba từ giao thông vận tải, một phần ba khác từ xây dựng cơ sở hạ tầng và phần ba còn lại từ các hoạt động liên quan trực tiếp đến Thế vận hội (chỗ ở, an ninh, ăn uống,...).

Hoàng Hà (ITG)