SPLISS - Các yếu tố chính sách dẫn đến thành công của thể thao quốc tế (kỳ 2)

SPLISS (Các yếu tố chính sách dẫn đến thành công thể thao quốc tế) là mạng lưới hợp tác nghiên cứu quốc tế về các chính sách thể thao ưu tú được thành lập từ năm 2002. Cuốn sách “Các chính sách thể thao đỉnh cao thành công: So sánh quốc tế ở 15 quốc gia (SPLISS 2.0)” được xuất bản bởi Meyer & Meyer Sport năm 2015 đã trả lời các câu hỏi chính sách then chốt về thể thao thành tích cao… (Tiếp theo)

sports-in-switzerland-1-1715672682.jpg
Thụy Sĩ và Đan Mạch, hai quốc gia nhỏ (dân số dưới 10 triệu) có thể được coi là những quốc gia liên tục đạt được thành tích trung bình ở các môn thể thao mùa hè hoặc mùa đông

Ở các môn thể thao mùa hè, Australia đã đạt được tỷ lệ thành công trong hơn 20 năm kể từ khi thành lập AIS vào năm 1981. Do đó, hệ thống của Australia đã trở thành chuẩn mực cho nhiều quốc gia khác. Australia là một hệ thống phát triển hoàn chỉnh, trưởng thành và đạt được tổng điểm so sánh cao nhất. Điểm mạnh nhất của họ là ở  tiêu chí nghiên cứu - đổi mới và hỗ trợ vận động viên thi đấu. Australia đạt điểm trên trung bình ở 7/9 yếu tố và thấp hơn mức trung bình ở tiêu chí tài năng và cạnh tranh quốc gia và quốc tế.

Nhật Bản là quốc gia có thể được coi là phát triển muộn trong việc áp dụng các thực tiễn tốt nhất từ các quốc gia khác, trong đó có Australia. Kể từ khi Trung tâm Huấn luyện Quốc gia được thành lập vào năm 2008, Nhật Bản đã đạt được sức mạnh cạnh tranh ở tiêu chí cơ sở vật chất. Nhật Bản còn mạnh ở cơ sở vật chất đào tạo và cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, chỉ số tham gia và tài năng của họ lại thấp hơn mức trung bình trong danh sác 15 quốc gia được nghiên cứu. 

Pháp có cấu hình các yếu tố khá khác biệt so với Australia và Nhật Bản. Họ có ưu thế ở tiêu chí huấn luyện viên, hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất đào tạo nhưng lại không được đánh giá cao về yếu tố tổ chức. Điều này được giải thích rằng, về mặt hoạt động, có sự căng thẳng giữa Ủy ban Olympic Pháp và Nhà nước, điều này có thể dẫn đến một khuôn khổ tổ chức không tối ưu. Thứ hai, về mặt phương pháp, dữ liệu khảo sát môi trường thể thao ưu tú bị thiếu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả này.

Tương tự như các môn thể thao mùa hè ở trên, ba quốc gia có thành tích cao trong thể thao mùa đông là: Canada, Hà Lan và Hàn Quốc cũng được xem xét. Canada có điểm mạnh về huấn luyện viên, cạnh tranh (quốc tế) và nghiên cứu đổi mới. Trong khi đó, sức mạnh của Hà Lan nằm ở mô hình tổ chức của họ. Điểm mạnh chính này không chỉ nâng cao sự tham gia thể thao và phát triển tài năng (chủ yếu ở môn trượt băng tốc độ) mà còn chứng tỏ hiệu quả trong việc chọn lọc từ sự tham gia rộng rãi để hình thành và phát triển thành công thể thao ưu tú sau này. 

sports-australia-1715672728.jpg
Ở các môn thể thao mùa hè, Australia đã đạt được tỷ lệ thành công trong hơn hai mươi năm kể từ khi thành lập AIS vào năm 1981

Hàn Quốc có mức hỗ trợ tài chính cao nhất cho thể thao ưu tú trong tất cả các quốc gia tham gia khảo sát SPLISS 2.0, nhưng chỉ đạt trung bình ở hầu hết các tiêu chí khác. Đi sâu hơn vào khoản đầu tư của Hàn Quốc vào thể thao ưu tú, người ta có thể kết luận rằng một mục tiêu quan trọng là sự tiếp xúc quốc tế, thông qua việc tổ chức các sự kiện quốc tế (53% chi tiêu cho thể thao ưu tú). Tài trợ rõ ràng là một công cụ quan trọng để Hàn Quốc thúc đẩy tham vọng thể thao đỉnh cao của mình. 

Nhìn chung, chúng ta có thể kết luận rằng, ngay cả những quốc gia thành công cũng thực hiện mọi thứ một cách khác biệt. Không có cách tiếp cận “một cỡ phù hợp cho tất cả” có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nhận thức này cũng mở ra nhiều phạm vi đáng kể để vạch ra các chiến lược tập trung vào các tiêu chí mà các quốc gia cảm thấy họ có thể có lợi thế cạnh tranh, cho phép họ vượt trội so với các đối thủ.

Thụy Sĩ và Đan Mạch là 2 quốc gia nhỏ (dân số dưới 10 triệu) có thể được coi là những quốc gia liên tục đạt được thành tích trung bình ở các môn thể thao mùa hè hoặc mùa đông. Thụy Sĩ và Đan Mạch lần lượt giành được 7/7 và 10/15 huy chương tại London và Rio, và Thụy Sĩ xếp thứ 7 tại Sochi (11 huy chương). Cả 2 quốc gia này cũng thể hiện những điểm mạnh khác nhau ở các tiêu chí khác nhau, nhưng mô hình tổng thể được phát triển khá giống với Hà Lan, với điểm số cao hơn ở cơ cấu, tham gia và tài năng. Ngoài ra, Thụy Sĩ có đội ngũ huấn luyện viên và cơ sở vật chất phát triển tốt, trong khi ở Đan Mạch ưu thế hơn ở các hạng mục thi đấu (quốc tế) và hỗ trợ sự nghiệp sau giải nghệ của vận động viên. Có thể thấy rằng, những quốc gia nhỏ hơn này đã tạo lợi thế so với các quốc gia lớn hơn bằng việc tận dụng tiềm năng của các vận động viên để tạo ra thành tích thể thao đỉnh cao.

(Còn tiếp)

Hoàng Hà (SPLISS Report)