Các câu hỏi này bao gồm:
1. Tại sao một số quốc gia giành được nhiều huy chương hơn những quốc gia khác?
2. Các quốc gia đầu tư bao nhiêu tiền cho thể thao đỉnh cao?
3. Các nhà hoạch định chính sách có thể ảnh hưởng như thế nào đến thành công của vận động viên?
4. Điều gì làm cho chính sách thể thao đỉnh cao trở nên hiệu quả và tiết kiệm?
5. Thành công nên được đo lường như thế nào?
6. Các quốc gia ưu tiên đầu tư cho thể thao đỉnh cao như thế nào?
Dựa trên các nghiên cứu năng lực cạnh tranh quốc tế khác nhau, Dự án này nghiên cứu cách các quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách dựa trên các yếu tố thành công then chốt có thể dẫn đến lợi thế cạnh tranh trong thể thao thế giới. Dự án nghiên cứu rộng rãi này là sự hợp tác của 53 nhà nghiên cứu và 33 đối tác hoạch định chính sách trên toàn thế giới, với sự tham gia của hơn 3.000 vận động viên thành tích cao, 1.300 huấn luyện viên và hơn 240 Giám đốc Hiệu suất, thực hiện nghiên cứu ở 15 quốc gia gồm châu Mỹ: Canada, Brazil; châu Âu: Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, Bắc Ireland (UK), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ; châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản; châu Đại dương: Australia.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thành công trong thể thao ở các quốc gia trên thế giới có thể được phân loại thành ba cấp độ: vĩ mô, trung mô và vi mô. Các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng bởi môi trường xã hội và văn hóa mà con người sinh sống, bao gồm kinh tế, dân số, địa lý, khí hậu, đô thị hóa, chính trị và văn hóa dân tộc. Các yếu tố trung mô ảnh hưởng bởi môi trường chính sách của các quốc gia. Ở cấp độ vi mô là các yếu tố như gen di truyền, ảnh hưởng xã hội của cha mẹ, bạn bè và huấn luyện viên. Hơn 50% thành công của thể thao trên đấu trường quốc tế của các quốc gia có thể được giải thích bằng ba biến số: dân số, giàu có (GDP / người) và chính sách của nhà nước. Khi các quốc gia xây dựng chiến lược rõ rang trong cách họ đào tạo các vận động viên ưu tú, họ ít phụ thuộc hơn vào các biến số không thể kiểm soát và phụ thuộc nhiều hơn vào các biến số được coi rộng rãi là các thành phần của hệ thống phát triển thể thao ưu tú.
Trong lĩnh vực thể thao đỉnh cao, có nhiều phương pháp để đo lường thành tích, chủ yếu dựa trên huy chương, bao gồm: thứ hạng trên bảng xếp hạng huy chương; số huy chương vàng giành được; tổng số huy chương giành được; điểm số dựa trên thang điểm đánh giá theo loại huy chương (ví dụ: vàng = 3, bạc = 2, đồng = 1); thị phần được tính bằng cách chuyển đổi điểm số thành tỷ lệ phần trăm của tổng điểm; và xếp hạng tốp 8 (là yếu tố đại diện cho việc đào tạo các vận động viên và đội tuyển lọt vào chung kết). Tất cả các biện pháp đã được đề cập trên thực chất đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Với hơn 3.000 trang dữ liệu kiểm kê và kết quả khảo sát thực hiện trên 3142 vận động viên ưu tú, 1376 huấn luyện viên ưu tú và 241 giám đốc hiệu suất, có thể thấy rằng các quốc gia có thành tích cao hơn ở các môn thể thao mùa hè cũng có xu hướng đạt điểm cao trên 9 tiêu chí so sánh. Đối với các môn thể thao mùa đông, mối quan hệ giữa thành công và 9 tiêu chí so sánh không rõ ràng bằng. Điều này có thể là do các môn thể thao mùa đông chuyên biệt hơn các môn thể thao mùa hè, phụ thuộc vào cảnh quan thiên nhiên và điều kiện khí hậu của quốc gia, và ít quốc gia ưu tiên các môn thể thao mùa đông hơn. Trong một số trường hợp xác định, kết quả cho thấy các quốc gia nhỏ hơn hoạt động tốt hơn.
9 tiêu chí được dùng để so sánh ở đây là:
- Tiêu chí 1: Môn thể thao có tổ chức (Câu lạc bộ) - Phát triển cơ sở thể thao và các câu lạc bộ thể thao.
- Tiêu chí 2: Khởi xướng và Tham gia - Khuyến khích tham gia thể thao ở tất cả các cấp độ, từ thể thao phong trào đến thể thao thành tích cao.
- Tiêu chí 3: Phát triển Tài năng - Hệ thống tìm kiếm và xác định nhân tài thể thao.
- Tiêu chí 4: Hiệu suất - Phát triển năng lực của các vận động viên.
- Tiêu chí 5: Xuất sắc - Chương trình hỗ trợ vận động viên đạt đến trình độ ưu tú.
- Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất Huấn luyện - Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo vận động viên.
- Tiêu chí 7: Cung cấp Huấn luyện viên và Phát triển Huấn luyện viên - Nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện viên.
- Tiêu chí 8: Cạnh tranh (Quốc tế) - Tạo điều kiện cho các vận động viên tham gia thi đấu quốc tế.
- Tiêu chí 9: Nghiên cứu Khoa học và Đổi mới - Áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực thể thao.
(Còn tiếp)