Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy giải ngân gói phục hồi kinh tế - xã hội

Chiều 28/7, phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo.

28722-1659013419.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Giải ngân khoảng 48 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đến nay, sau hơn 6 tháng triển khai, các cơ quan đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra và đã ban hành 13/17 văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết (gồm 6 Nghị định, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư và 1 văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Về kết quả giải ngân, thống kê sơ bộ, các chính sách thuộc chương trình đã giải ngân khoảng 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đến ngày 21/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng/19 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 22/7 đã giải ngân 196,7 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 344 nghìn lao động. Đến nay đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng 31 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng…

Ngoài ra, ước tính đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 trong 7 tháng đầu năm khoảng 8.909 tỷ đồng (không thuộc phạm vi chương trình).

Về phân bổ vốn chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư là 146.898 tỷ đồng cho 91 nhiệm vụ, dự án. Số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định là 2.173 tỷ đồng cho 21 dự án.

Các chính sách đang được triển khai quyết liệt

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, các chính sách hỗ trợ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai quyết liệt. Một số chính sách có tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian tương đối ngắn, một số chính sách đã có chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, tình hình xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; đồng thời, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn chậm, đạt kết quả thấp, chưa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết, làm giảm hiệu quả của chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, thời gian tới cần phổ biến, đẩy mạnh việc thực hiện chủ động, nhanh chóng xử lý các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm phát huy hiệu quả chương trình; nhanh chóng ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung đến các cấp, ngành, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị một số nội dung đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cao với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời góp ý phát biểu thêm về: cơ chế chính sách giải ngân; triển khai vốn đầu tư công trong chương trình; đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, trả lương cho người lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ…

Cơ chế chính sách phải sớm hoàn hiện

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành hết sức tích cực.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian ngắn đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 6 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý triển khai chương trình. Một số chính sách triển khai rất nhanh như: Chính sách giảm thuế, phí, lệ phí… Cùng với xây dựng cơ chế chính sách, hiện nay đã giải ngân được 48 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, đến cuối năm có thể hoàn thành gói giảm thuế (64.000 tỷ đồng) trong vòng 1 năm… Tuy nhiên vẫn có những nội dung triển khai còn chậm.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành phải sáng tạo, quyết liệt trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên triển khai một gói phục hồi với quy mô lớn, phức tạp, không tránh khỏi những vướng mắc. Do đó cần tập trung xác định rõ các vấn đề còn tồn tại, khó khăn để tập trung tháo gỡ triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các bộ phải sớm hoàn hiện, nhất là các quy định liên quan đến đấu thầu, phân cấp cho các địa phương… Trong quá trình triển khai, nếu có những vướng mắc, đề nghị các địa phương kịp thời báo cáo, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp".

Về vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp danh mục các dự án đã hoàn thiện thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sắp tới.

Các bộ, ngành căn cứ tình hình thực tế, nhất là những đầu việc đã có cơ chế, chính sách, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đôn đốc địa phương giải ngân quyết liệt hơn nữa, nhất là triển khai gói hỗ trợ người lao động thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân…

TTXVN