Sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 2/6, với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

nghi-quyet-1685678608.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết nêu rõ, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Kỳ họp thứ 7 cũng trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Kỳ họp này cũng trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật gồm: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).

nghi-quyet-2-1685678608.jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng 6/2. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, với tinh thần lập pháp chủ động, đã đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực khắc phục khó khăn, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai và hoàn thành toàn bộ chương trình lập pháp đề ra, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh trước, trong và sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng và hồ sơ đầy đủ của 3 dự án luật, báo cáo thẩm tra và ý kiến của các cơ quan cho thấy, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những nội dung lớn của các dự án Luật. Hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không đề xuất thành lập lực lượng mới mà chỉ tổ chức lại các lực lượng hiện có nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do đó không cần thiết phải thực hiện thí điểm.

Sau khi được Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình, Chính phủ sẽ trình các dự án luật và báo cáo cụ thể với Quốc hội về nội dung từng dự án để xem xét, cho ý kiến. Trong quá trình thảo luận, cơ quan trình sẽ báo cáo, giải trình, tiếp thu làm rõ những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các dự án luật.

Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bản dạng giới là vấn đề phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, cũng như truyền thống văn hóa, nhận thức xã hội…

Trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, để bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật như hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong quá trình thi hành Luật sau này, sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, xem xét việc sửa đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật khi đáp ứng đủ điều kiện.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành các biện pháp tổ chức và bảo đảm thực hiện Chương trình như được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết; đồng thời kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật; cải tiến, nâng cao chất lượng trong việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong công tác soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến và thẩm tra các dự án luật, bảo đảm thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu dự án, dự thảo theo quy định...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, bổ sung yêu cầu về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra và các chủ thể khác có liên quan trong việc tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao. Không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách; khắc phục tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định.

TTXVN