Nhật ký SEA Games 31: Đô cử Phạm Thị Hồng Thanh thiết lập 3 kỷ lục SEA Games mới

Hôm nay (21/5), SEA Games 31 diễn ra ngày thi đấu áp chót với các môn Cử tạ, cờ Vua, Judo, Canoeing/kayak. Và trong ngày thi đấu chính thức thứ 9 của Đại hội, nữ đô cử Phạm Thị Hồng Thanh gây chấn động tại SEA Games 31 khi phá 3 kỷ lục để giành huy chương vàng hạng cân 64kg.

nhat-ky-cu-ta-1-1653142028.jpg
Đô cử Phạm Thị Hồng Thanh xuất sắc giành huy chương vàng cử tạ, phá 3 kỷ lục SEA Games 

Hôm nay, môn cử tạ tiếp tục diễn ra tại nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội. Trong ngày thi đấu thứ ba, cô gái quê Hải Dương đã khiến tất cả mọi người phải đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác.

Ở hạng cân 64kg nữ đã mang đến màn rượt đuổi đầy hấp dẫn khi các nữ đô cử liên tiếp phá kỷ lục SEA Games. Kết quả cuối cùng, đô cử Phạm Thị Hồng Thanh là người phá cả 3 kỷ lục SEA Games ở hạng cân 64kg nữ các nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử, giành thêm 1 huy chương vàng cho Cử tạ Việt Nam.

Phạm Thị Hồng Thanh là đương kim vô địch SEA Games 31 ở hạng cân 64kg nữ. Tuy vậy, ở kỳ SEA Games năm nay, cô có những đối thủ rất đáng gờm là Tsabitha Alfiah Ramadani (Indonesia) và Quinilitan Ando Elreen Ann (Philippines). Nội dung cử giật cho thấy, sự tranh chấp mạnh mẽ của các lực sĩ ở hạng cân này.

Ở lần cử giật đầu tiên, Hồng Thanh đã thành công ở mức 98kg - ngang bằng với kỷ lục SEA Games nội dung cử giật.

Ngay sau Hồng Thanh, vận động viên của Philippines đã nâng mức tạ lên 100kg ở lần cử giật thứ hai và vận động viên này thành công - phá kỷ lục SEA Games. Vận động viên Indonesia cũng thành công với mức tạ này ở lần cử thứ ba.

Thách thức đặt ra cho Hồng Thanh, cô chọn mức tạ 101kg ở lần cử thứ hai và đã thành công. Hồng Thanh tiếp tục phá kỷ lục SEA Games với thành tích này.

Khi đó, đô cử người Philippines chọn nâng mức tạ 103kg ở lần cử thứ ba của cô và cũng đã thành công, phá tiếp kỷ lục mà Hồng Thanh vừa thiết lập.

nhat-ky-cu-ta-2-1653142028.jpg
Với tổng cử 230kg, Phạm Thị Hồng Thanh cũng vượt xa kỷ lục SEA Games cũ về tổng cử tới 16kg (kỷ lục cũ là 214kg).

Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là đô cử của Việt Nam khi cô thành công mức tạ 104kg trong lần cử cuối cùng, trở thành người có thành tích tốt nhất ở nội dung cử giật hạng cân 64kg nữ - thiết lập kỷ lục SEA Games mới (cao hơn kỷ lục cũ 6kg).

Bước sang nội dung cử đẩy, cũng là vận động viên có thành tích vượt trội khi tiếp tục lập kỷ lục SEA Games với mức tạ 126kg ở lần cử thứ hai - lập kỷ lục SEA Games mới ở nội dung cử đẩy hạng cân 64kg nữ (cao hơn kỷ lục cũ 2 kg).

Trong khi đó, các đối thủ người Indonesia và Philippines đều dừng bước ở mức tạ 120kg.

Với tổng cử 230kg, Phạm Thị Hồng Thanh cũng vượt xa kỷ lục SEA Games cũ về tổng cử tới 16kg (kỷ lục cũ là 214kg).

Như vậy, sau những cuộc rượt đuổi đầy ngoạn mục, Phạm Thị Hồng Thanh bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games, đồng thời thiết lập 3 kỷ lục SEA Games mới. Cử tạ Việt Nam có tấm huy chương vàng thứ ba, vượt mục tiêu 2 huy chương vàng đề ra.

Ngày 21/5, tại Khu Huấn luyện đua thuyền thành phố Hải Phòng (thị trấn Minh Đức - huyện Thủy Nguyên), các vận động viên bước vào ngày tranh tài cuối cùng của bộ môn thuyền canoeing/kayak. Đây cũng là ngày thi đấu cuối cùng của môn thể thao này.

Trong ngày thi đấu hôm nay, các vận động viên thi đấu vòng chung kết ở 5 nội dung: thuyền bốn nữ canoeing 500m, thuyền bốn nam kayak 500m, thuyền bốn nữ kayak 500m, thuyền đơn nữ canoeing 200m và thuyền bốn nữ canoeing 200m.

Ở ngày thi đấu cuối cùng cuối cùng, đội tuyển Việt Nam tiếp tục gặt hái được thêm 2 huy chương vàng ở nội dung thuyền bốn nữ thuyền canoeing cự ly 500m và thuyền đơn nữ canoeing cự ly 200m. Một lần nữa khẳng định sự vượt trội của các tay chèo nữ Việt Nam trong khu vực.

nhat-ky-canoieng-1-1653142201.jpg
Ở nội dung thuyền bốn nữ canoeing cự ly 500m, các vận động viên: Trương Thị Phương, Nguyễn Thị Hương, Diệp Thị Hương và Nguyễn Thị Ngân đã có ngày thi đấu xuất sắc khi cán đích với thành tích 1 phút 54 giây

Ở nội dung thuyền bốn nữ canoeing cự ly 500m, các vận động viên: Trương Thị Phương, Nguyễn Thị Hương, Diệp Thị Hương và Nguyễn Thị Ngân đã có ngày thi đấu xuất sắc khi cán đích với thành tích 1 phút 54 giây, về trước các tuyển thủ nữ Indonesia 3 giây.

Ở nội dung thuyền đơn nữ thuyền cự ly 200m, tuyển thủ Nguyễn Thị Hương một lần nữa mang vinh quang về cho đất nước với thành tích 49 giây. Ngay sau khi về đích đầu tiên Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Chúng em đã có một kỳ SEA Games nỗ lực, cố gắng hết mình. Xin cảm hơn người hâm mộ cả nước đã theo dõi và động viên đội tuyển”.

Trong ngày các tay chèo còn mang về cho đua thuyền 2 huy chương bạc nội dung thuyền bốn nữ kayak 500m và thuyền bốn nữ canoeing 500m.

Như vậy, kết thúc môn canoeing/kayak, đội tuyển Việt Nam đã giành được 8 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 2 huy chương đồng vượt chỉ tiêu đề ra trước khi xuất quân.

Ngày 21/5, tại Cung Thể thao Tổng hợp Quần ngựa (Hà Nội) diễn ra trận chung kết môn Aerobic 2 nội dung đơn nam và nhóm bài 3 người. Có 4 quốc gia tham dự môn thể thao này là Campuchia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. 

Trong phần thi đơn nam, vận động viên Chanokpon Jiunsukjai của Thái Lan có bài trình diễn sôi động, nhiều động tác di chuyển nhanh nhanh, kết hợp nhảy, nhào lộn đã đạt 19,6 điểm đoạt huy chương vàng. Nam vận động viên Phan Thế Gia Hiển của Việt Nam kém may mắn hơn được 18.8 điểm nhận huy chương bạc. Huy chương đồng thuộc về vận động viên Chanbory Choeun (Campuchia).

Phần thi nhóm bài 3 người, các đội tùy chọn số lượng nam nữ. Đội hình Việt Nam gồm Lê Hoàng Phong, Nguyễn Chế Thanh, Trần Ngọc Thúy Vy trình diễn bài chung kết trong khoảng 1 phút 20 giây giành huy chương vàng với 20,478 điểm. Đội tuyển của Campuchia giành huy chương bạc với 19,3 điểm và đội tuyển Philippines nhận huy chương đồng với 16,533 điểm.

nhat-ky-aerobic-1-1653142278.jpg
Tuyển Aerobic Việt Nam giành huy chương vàng nhóm 3 người trong ngày đầu ra quân tại SEA Games 31

Đội tuyển aerobic Việt Nam tham dự SEA Games 31 với 7 vận động viên. Bà Dương Thị Thu Trang - huấn luyện viên trưởng độ tuyển aerobic Việt Nam - cho biết, Việt Nam tham dự SEA Games 31 với thành phần gồm các vận động viên mạnh nhất tại thời điểm hiện tại. Thi đấu trên sân nhà là cơ hội, niềm tự hào, nhưng cũng là áp lực rất lớn đối với các vận động viên. Hôm nay, các vận động viên chưa thể hiện được hết khả năng của mình như Ban huấn luyện mong đợi, yêu cầu vì với điểm số như vậy, Việt Nam sẽ ít hy vọng ở giải vô địch thế giới.

Ngày mai (22/5), môn Areobic diễn ra với các trận chung kết nội dung bài đơn nữ, bài đôi nam - nữ và bài nhóm 5 người. 

Sau 11 ngày tranh tài, sáng 21/5, môn cờ Vua SEA Games 31 đã kết thúc tại tổ chức tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm (thành phố Hạ Long). Với ưu thế vượt trội, tuyển Việt Nam về nhất toàn đoàn với 7 huy chương vàng ở các nội dung thi đấu.

Bước vào thi đấu nội dung cờ Chớp đồng đội, cũng là nội dung thi cuối của bộ môn cờ Vua trong khuôn khổ SEA Games 31 có 6 quốc gia với 22 kỳ thủ tham dự tranh tài.

Góp mặt ở nội dung này, Việt Nam có 4 kỳ thủ là Lê Quang Liêm, Lê Tuấn Minh ở bảng nam; Phạm Lê Thảo Nguyên và Pham Thi Mai Hưng ở bảng nữ. Các kỳ thủ thi đấu 5 ván vòng tròn tính điểm tìm ra người chiến thắng chung cuộc.

Trải qua 5 ván đấu, 2 kỳ thủ Lê Quang Liêm, Lê Tuấn Minh (bảng nam) đã xuất sắc vượt qua các đối thủ Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Myanmar để giành thêm 1 huy chương vàng cho cờ Vua Việt Nam tại kỳ SEA Games này. 

co-vua-1653142418.jpg

Trải qua 5 ván đấu, 2 kỳ thủ Lê Quang Liêm, Lê Tuấn Minh (bảng nam) đã xuất sắc vượt qua các đối thủ Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Myanmar để giành huy chương vàng

Ở bảng nữ, các kỳ thủ Việt Nam ở nội dung này không được may mắn như các nội dung khác. Các cô gái nước chủ nhà chia sẻ tấm huy chương đồng cùng đội tuyển Malaysia. Vận động viên Indonesia xuất sắc giành huy chương vàng, huy chương bạc thuộc về Philippines.

Chiều 21/5, tại Nhà thi đấu Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, đội tuyển bóng ném nữ trong nhà Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục trước tuyển Thái Lan với tỷ số 39-27 để giành tấm huy chương vàng  SEA Games 31.

Với lợi thế khi đứng đầu trên Bảng xếp hạng và được sự cổ vũ của hàng nghìn cổ động viên nhà, đội tuyển Việt Nam nhập cuộc đầy hứng khởi khiến các cô gái đến từ Thái Lan phạm lỗi trong vòng cấm, ngay ở tình huống lên bóng đầu tiên. Trên chấm ném phạt, Đàm Thị Thanh Huyền đã mở điểm cho đội tuyển Việt Nam trong niềm vui sướng của các cổ động viên.

Tiếp đà hưng phấn, các cô gái Việt Nam liên tục chơi tấn công và có những pha ghi điểm làm nức lòng người hâm mộ. Bị dội gáo nước lạnh, các cô gái đến từ xứ Chùa Vàng đã vùng lên mạnh mẽ để phản công. Sự cơ động của Saisod Nuttawadee và Junmanee Preechaya đã khiến các cô gái Việt Nam vất vả trong việc cản phá.

Đến phút 23 của hiệp 1, thế trận giằng co mới được phá vỡ khi Đỗ Thị Như Quỳnh, Phùng Thị Linh Trang và Hoàng Thị Linh Trang thi nhau ghi điểm cho đội tuyển Việt Nam. Kết thúc hiệp 1 trận đấu, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng với tỷ số 20/17.

nhat-ky-bong-nem-1-1653142494.jpg
Giành chiến thắng thuyết phục trước tuyển Thái Lan với tỷ số 39-27, đội tuyển bóng ném trong nhà Việt Nam giành tấm huy chương vàng SEA Games 31.

Với tâm lý thoải mái khi giành chiến thắng ở hiệp 1, bước vào đấu hiệp 2, các cô gái của đội tuyển Việt Nam tiếp tục chơi tấn công. Sự chắc chắn của thủ môn Nguyễn Thanh Huyền nơi hàng phòng ngự đã tiếp thêm động lực cho những tay ném của đội tuyển Việt Nam chơi hưng phấn. Hà Thị Hạnh là cầu thủ chơi nổi bật với những pha cướp bóng thành công để giúp các đồng đội có những pha ghi điểm dễ dàng. Những phút cuối trận, các cô gái Thái Lan đẩy cao đội hình lên tấn công để rút ngắn tỷ số nhưng không thành. Trận đấu kết thúc với tỉ số 39/27, qua đó giúp đội tuyển nữ bóng ném trong nhà Việt Nam giành tấm HCV SEA Games 31.

Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của những cô gái "vàng" bóng ném trong nhà Việt Nam, để đem vinh quang về cho Tổ quốc.

Trước đó, đội tuyển nam bóng ném Việt Nam cũng giành được tấm huy chương vàng trước 1 lượt đấu. 

Môn Bóng ném trong nhà SEA Games 31 có 3 nước tham dự gồm Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Các đội sẽ thi đấu ở 2 nội dung nam và nữ theo thể thức lượt đi và lượt về tính điểm.

nhat-ky-bong-nem-3-1653142494.jpg

Ở môn Quần vợt, tay vợt Trịnh Linh Giang vào chung kết đơn nam tại SEA Games 31 sau khi giành chiến thắng trước hạt giống số 3 người Lào Sadettan 7-6(4), 7-6(6) để lần đầu vào chung kết đơn nam SEA Games. 

Ở trận bán kết tiếp theo, hạt giống số 1 của giải - Lý Hoàng Nam - đánh bại tay vợt hạt giống số 4 người Thái Lan với tỷ số 6-2, 6-4 để vào chung kết nội dung đơn nam. Như vậy, trận chung kết đơn nam môn quần vợt sẽ là cuộc đấu nội bộ của chủ nhà và chắc chắn quần vợt Việt Nam sẽ bảo vệ thành công huy chương vàng đơn nam từng giành năm 2019. Tại SEA Games 30 năm 2019, Hoàng Nam từng thắng đồng đội Việt Nam là Daniel Cao Nguyễn.

nhat-ky-quan-vot-1-1653142878.jpg
Lý Hoàng Nam đánh bại tay vợt hạt giống số 4 người Thái Lan với tỷ số 6-2, 6-4 để vào chung kết. 

Cầu mây nữ gặp Thái Lan ở chung kết sau khi thắng Myanmar ở trận bán kết với tỉ số chung cuộc 2-0 (21/16, 21/11). Ở trận chung kết, cầu mây nữ Việt Nam sẽ gặp Thái Lan ở nội dung 4 nữ.

Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh không thể chiến thắng trước tay vợt số 1 Singapore ở vòng đấu bán kết nội dung đơn nam môn Cầu lông tại SEA Games 31 diễn ra chiều 21/5 tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Bắc Giang.

Dù kết quả thua chung cuộc 2-1 và dừng chân ở bán kết với tấm huy chương đồng nội dung cá nhân nhưng Tiến Minh đã có một trận thi đấu ấn tượng.

Trong trận đấu bán kết, Tiến Minh thi đấu đối đầu với tay vợt Singapore, Loh Kean Yew. Hiện tay vợt người Singapore 24 tuổi, đang xếp hạng 10 thế giới, vừa vô địch đơn nam giải cầu lông vô địch thế giới BWF Word Championships 2021. 

nhat-ky-cau-long-1-1653142686.jpg
Nguyễn Tiến Minh (Việt Nam) trong trân đấu bán kết với tay vợt Loh Kean Yew (Singapore).

Vào sét 1, những phút đầu hai đối thủ bám sát nhau ở điểm số. Tuy nhiên về sau đương kim vô địch thế giới với những pha điều cầu về cuối sân chính xác đã liên tục ghi điểm. Dù nỗ lực hết sức tay vợt Việt Nam cũng không thể bứt phá lên trước và chấp nhận thua cuộc với tỷ số 21/15 nghiêng về tay vợt Singapore.

Với sự cổ vũ bùng nổ của khán giả, sau set đầu thua chóng vánh, set 2 Tiến Minh lội ngược dòng thi đấu quật khởi trở lại và liên tục dẫn trước tay vợt số 1 Singapore. Có thời điểm tay vợt Việt Nam dẫn trước đối thủ khá xa và kết thúc set đấu trong chiến thắng với tỷ số 21/10.

Set đấu thứ 3 là set đấu quyết định. Tiến Minh thi đấu xuất thần và tiếp tục vươn lên dẫn trước. Những pha cầu hiểm của Tiến Minh khiến tay vợt Singapore bật ngã để cứu cầu. Về cuối set hai đối thủ thay nhau dẫn trước khiến trận đấu diễn ra kịch tính. Tuy nhiên, may mắn đã không đến với Tiến Minh ở set đấu này khi anh bị đối thủ kết thúc set đấu với tỷ số sát nút 23/21 nghiêng về tay vợt Singapore. Mặc dù đôi của Indonesia ở bán kết, nhưng cầu lông Việt Nam vẫn giành huy chương đồng nội dung đôi nam môn cầu lông do công của Đỗ Tuấn Đức và Phạm Hồng Nam.

Trong ngày thi đấu đầu tiên của môn Lặn tại SEA Games 31, chàng trai 18 tuổi đã phá kỷ lục nội dung 1.500m vòi hơi chân vịt nam tồn tại từ SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam 

nhat-ky-lan-3-1653142622.jpg
Vận động viên Nguyễn Thành Lộc (Việt Nam) thi đấu nội dung 100m vòi hơi chân vịt đơn nam.

Kỷ lục lặn 1.500m vòi hơi chân vịt đơn nam tồn tại từ kỳ SEA Games đầu tiên do Việt Nam đăng cai (2003) gần 19 năm trước bị Kim Anh Kiệt xô đổ tối 21/5 ở SEA Games 31 tại Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình.

1.500m vòi hơi chân vịt đơn nam là nội dung dài nhất của môn lặn SEA Games. Kỷ lục 13 phút 19 giây 26 do Ngô Xuân Phương lập gần 2 thập kỷ trước đến tận bây giờ mới được phá. Kim Anh Kiệt vừa phá kỷ lục dài hơi này bằng thành tích 12 phút 52 giây 45. Chàng trai mới 18 tuổi này bỏ xa các đối thủ từ 1-2 vòng bể để dễ dàng giành chiến thắng trên sân nhà.

Người về nhì Paphonpach Wonggaek có thành tích rất xa 13 phút 47 giây 63, còn người giành huy chương đồng Nguyễn Tiến Đạt có thông số 14 phút 09 giây 49. Vận động viên về cuối Akiva Carino (Indonesia) kém thành tích của Kim Anh Kiệt hơn 2 phút.

Đây là huy chương vàng lặn thứ tư của Việt Nam trong ngày hôm nay. Trước đó, Phạm Thị Thu giành huy chương vàng nội dung 100m vòi hơi chân vịt nữ. Cô gái 20 tuổi hoàn thành đường đua với thông số 40 giây 41, chính thức lập kỷ lục SEA Games mới.

Còn tại nội dung 100m vòi hơi chân vịt đơn nam, Nguyễn Thành Lộc xuất sắc phá kỷ lục SEA Games với thành tích 34 giây 82, vượt qua kỷ lục cũ 36 giây 94 do Nguyễn Trung Kiên lập năm 2011. Đỗ Đức Toàn giành huy chương bạc với thông số 35.57 còn Khet Chamnanwat (Thái Lan) giành huy chương đồng với thành tích 35 giây 94. 

nhat-ky-lan-1-1653142622.jpg
Các vận động viên thi đấu nội dung 100m vòi hơi chân vịt đơn nam

Sau đó, Cao Thị Duyên phá kỷ lục SEA Games nội dung 100m vòi hơi chân vịt đôi đơn nữ với thành tích 49 giây 04. Cô gái 21 tuổi phá kỷ lục cũ 50 giây 41 của chính mình lập ở vòng loại sáng nay. Đây là tấm huy chương vàng thứ ba ở môn lặn của đoàn Việt Nam trong tối nay (vẫn còn các nội dung khác đang thi đấu). Nguyễn Thị Thảo giành huy chương bạc với thành tích 50.22 còn Nusanee Chandaeng (Thái Lan) giành huy chương đồng với thời gian 50. 

Còn ở nội dung 100m vòi hơi chân vịt đôi đơn nam, Nguyễn Ngọc Huynh không thể vượt qua Harvey Hubert Hutasuhut (Indonesia) nên chỉ giành huy chương bạc với thành tích 43 giây 76. 

Ở nội dung 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, đội Việt Nam để thua Indonesia (6 phút 21 giây 08) và giành huy chương bạc với thành tích 6 phút 30 giây01. Giành huy chương đồng là đội Thái Lan với thành tích 6 phút 52 giây 33. Đây là huy chương vàng môn lặn thứ hai của đoàn Indonesia trong ngay thi đấu hôm nay.

Chiều 21/5, tại Nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội), các nội dung thi đấu môn Vovinam ở SEA Games 31 tiếp tục diễn ra với các trận đấu đối kháng nam hạng cân 55kg; Song luyện Mã tấu; Tứ tượng côn pháp. Kết quả, VĐV Lê Hồng Tuấn (Việt Nam) giành huy chương vàng nội dung đối kháng nam hạng cân 55kg; đội tuyển vovinam Việt Nam giành huy chương bạc nội dung Song luyện Mã tấu.

Tính đến 22 giờ ngày hôm nay, Đoàn Thể thao Việt Nam tiếp tục củng cố ngôi nhất toàn đoàn với 175 huy chương vàng, 103 huy chương bạc, 104 huy chương đồng bỏ xa đoàn thứ nhì là Thái Lan tới 100 huy chương vàng. Xếp thứ nhì là Thái Lan với 75 huy chương vàng, 88 huy chương bạc, 119 huy chương đồng; Xếp thứ 3 là đoàn Indonesia với 57 huy chương vàng, 77 huy chương bạc và 68 huy chương đồng. 

My Hạ