Hội nghị Tổng kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chiều 26/5, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 04/CTPH-BCA-BVHTTDL giữa Bộ Công an và Bộ VHTTDL về quản lý, chỉ đạo hoạt động Thể dục thể thao (TDTT) trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) giai đoạn 2016-2020, triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025.

Xác định TDTT có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn lực con người để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo hai Bộ đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trọng tâm là công tác rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn, quan tâm phát triển hoạt động thể thao quân sự, thể thao ứng dụng nghiệp vụ nâng cao sức khỏe và năng lực sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ công an.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đạt được những kết quả khích lệ. Trong đó, 100% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết và triển khai Chương trình phối hợp. Từ năm 2016 đến nay, 100% đơn vị công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia hưởng ứng Ngày chạy Olympic do ngành VHTTDL tổ chức. Đặc biệt từ năm 2018, do nhu cầu tham gia hưởng ứng của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ngày càng tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức Ngày chạy Olympic. Trung bình mỗi năm có từ 65 đến 89 đơn vị địa phương tổ chức Ngày chạy thu hút gần 60.000 cán bộ chiến sĩ tham gia. 

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ công an chiều ngày 26/5

Trong giai đoạn 2016-2020, phong trào tập luyện thể thao, rèn luyện thể lực trong lực lượng CAND diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung đã thu hút đông đảo CBCS tham gia. Việc rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn cũng từng bước được đẩy mạnh. 96% đơn vị đạt tiêu chuẩn trong công tác rèn luyện thể lực theo quy định; 90% đơn vị tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên. 61% các đơn vị, cơ sở có Câu lạc bộ các môn thể thao. Có hơn 1.000 đội bóng đá được thành lập trong lực lượng CAND tại các đơn vị, cơ sở, trong đó đa số là các đội bóng đá nam 7 người. Lực lượng CAND tổ chức hơn 2.400 giải, hội thi, hội thao, đại hội TDTT cấp tỉnh, cấp cơ sở,… và cử gần 32.000 CBCS tham gia hơn 1.500 giải thể thao do ngành VHTTDL tổ chức. Nhiều CBCS đạt thành tích cao tại các giải thi đấu thể thao phong trào trên toàn quốc. Các môn thể thao phong trào đã từng bước tiếp cận về thành tích đối với thể thao thành tích cao như: Cờ tướng, bóng chuyền, bắn súng, điền kinh, võ thuật..

Để đánh giá kết quả, tăng cường hoạt động TDTT quần chúng và phát triển phong trào rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn, định kỳ 5 năm/lần Bộ Công an tổ chức Đại hội Khỏe “Vì an ninh Tổ quốc”. Đại hội Khỏe lần thứ VIII được diễn ra từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2020 có hơn 16.000 CBCS tham gia với gần 11.000 VĐV tranh tài 14 môn thi đấu chia làm 2 giai đoạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau Lễ khai mạc, Bộ Công an đã dừng tổ chức thi đấu 5 môn và kết thúc Đại hội.

Bộ VHTTDL và Bộ Công an ký  kết chương trình phối hợp về quản lý,  chỉ đạo hoạt động TDTT trong lực lượng CAND giai đoạn 2021-2025

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng lực lượng CAND, năm 2019,  các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ VHTTDL đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng bảng chỉ số tiêu chuẩn rèn luyện thể lực, thực nghiệm tại một số đơn vị, địa phương theo đặc điểm địa lý, tâm sinh lý lứa tuổi, tính chất hoạt động của các lực lượng trong CAND. Kết quả nghiên cứu khoa học TDTT nêu trên là căn cứ, cơ sở để Bộ Công an ban hành Thông tư 106/2020/TTBCA ngày 08/10/2020 quy định chế độ rèn luyện thể lực trong CAND thay thế cho Thông tư 24/2013/TT-BCA. Thông tư mới có tác động tích cực, khích lệ tinh thần tự giác, hăng say rèn luyện thể lực của CBCS và tạo ra sự công bằng, chính xác trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện thể lực của CBCS CAND. Bên cạnh việc ban hành tiêu chuẩn mới quy định về rèn luyện thể lực, hai Bộ đã phối hợp, liên kết, hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ công tác TDTT, hỗ trợ việc ứng dụng kết quả đề tài khoa học về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong tổ chức, quản lý và hệ thống các giải pháp khoa học về TDTT trong CAND. Hàng năm, hai Bộ phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác TDTT lực lượng CAND như: Tập huấn hướng dẫn viên môn bơi ứng dụng (2016); Tập huấn phổ biến văn bản pháp luật và kế hoạch phát triển TDTT lực lượng CAND (2017-2018); Tập huấn công tác trọng tài các môn thể thao trong Đại hội Khỏe “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ VIII (2019-2020)... Bên cạnh đó, Ngành VHTTDL tạo điều kiện cho hàng trăm lượt CBCS CAND được học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng Thể dục thể thao thuộc Bộ VHTTDL quản lý và hàng nghìn cán bộ ngành CAND ở địa phương tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ TDTT.

Đối với  thể thao thành tích cao, từ 2016 đến nay, hai ngành đã phối hợp tổ chức đào tạo từ 300 đến trên 800 VĐV các tuyến của 25 môn thể thao thành tích cao, trong đó ngành Công an đã đóng góp số lượng lớn các CBCS cho đội tuyển quốc gia. Tại Đại hội TDTT toàn quốc và các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới, các VĐV ngành Công an đạt được  gần 2.500 huy chương, trong đó có hơn 200 huy chương quốc tế, đóng góp thành tích xuất sắc vào thành công chung của thể thao Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ Công an và Bộ VHTTDL đã thống nhất Chương trình phối hợp quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động TDTT trong lực lượng CAND, giai đoạn 2021-2025. Trong đó nêu rõ quan điểm, phương hướng phối hợp, các nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp. Hai ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đồng thời tập trung nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức để phong trào tập luyện TDTT CAND ngày càng chất lượng, hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lê Minh