Giám sát cần tập trung vào việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng

Sáng ngày 24/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH, sau khi nghe đại diện Đoàn giám sát trình bày báo cáo tóm tắt các văn bản của Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, các thành viên của UBTVQH cho ý kiến về nội dung này.

toancanh-1663997008.jpg
Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn giám sát đã khẩn trương, tích cực nghiên cứu tài liệu, làm việc với các chuyên gia, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức hội thảo, họp Đoàn giám sát, nghiên cứu kinh nghiệm của các Đoàn giám sát, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH về đổi mới hoạt động giám sát, xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo kết quả giám sát, tập hợp các hồ sơ, tài liệu tham khảo có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, phạm vi của cuộc giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, đề nghị UBTVQH tập trung thảo luận về: nội dung và cách tiếp cận của các dự thảo Đề cương báo cáo giám sát; cách tiếp cận các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng; Tính hợp lý, đầy đủ của việc lựa chọn đối tượng giám sát; sự phù hợp của dự thảo, của đề cương báo cáo tương ứng với từng nội dung và đối tượng; sự phù hợp giữa nội dung giám sát và việc lựa chọn địa bàn giám sát, Bộ, ngành, địa phương để thực hiện giám sát; dự kiến kế hoạch chi tiết, tiến độ thực hiện kế hoạch giám sát; các vấn đề khác mà UBTVQH quan tâm để hoàn thiện Kế hoạch chi tiết Đề cương báo cáo giám sát và các nội dung liên quan.

Giám sát tổng thể các ngành năng lượng để đảm bảo tính toàn diện.

Góp ý về Dự thảo Kế hoạch và Đề cương chi tiết của Đoàn giám sát, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị bổ sung vào Đề cương báo cáo giám sát về đánh giá các văn bản, vướng mắc trong việc thực hiện phát triển năng lượng; bổ sung nội dung về các giải pháp bảo vệ môi trường khi các cái nhà máy năng lượng dừng hoạt động. Lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị bổ sung vào Đề cương báo cáo giám sát về công tác chỉ đạo việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển đối với các tập đoàn, tổng công ty trong ngành năng lượng.

Về đối tượng chịu giám sát, cân nhắc bổ sung đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công thương đối với phát triển năng lượng; đánh giá việc ban hành các văn bản của các tập đoàn, tổng công ty đã tháo gỡ trong cái quá trình thực hiện chính sách phát triển năng lượng như thế nào trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng cao…

qh-1663996941.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh góp ý tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình với nhiều nội dung cơ bản Đoàn giám sát nêu và góp ý một số vấn để liên quan đến sự cân đối hài hòa giữa các ngành tiến hành giám sát. Bởi đây là chuyên đề giám sát rộng, nhưng trong nội dung, pham vi, đối tượng giám sát tập trung nhiều về ngành điện. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với ngành điện chỉ nên tập trung vào một số vấn đề giám sát đang được dư luận rất quan tâm. Ví dụ năng lượng tái tạo phát triển vượt công suất trong Quy hoạch điện 7; tình trạng đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Đoàn giám sát cũng cần xem xét chính sách về xuất nhập khẩu và chiến lược đầu tư nâng cao năng lực của các ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó ngành than hiện đang có nhiều khó khăn, bất cập.

Đồng tình với ý kiến tại phiên họp, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, vấn đề năng lượng rất rộng, cần xem xét, cân đối giám sát tổng thể các ngành năng lượng để đảm bảo tính toàn diện. Đề nghị, chuyên đề giám sát nên tập trung vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có giá năng lượng - đây là vấn đề có tính nền tảng và được xã hội, Nhân dân rất quan tâm. Việc giám sát cũng cần tập trung vào trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển các năng lượng tái tạo, năng lượng mới và gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững và các cam kết trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh đến 3 nội dung cơ bản của Đoàn giám sát cần hoàn thành, đó là: đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển bền vững của ngành năng lượng và bảo đảm góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung. Để hoạt động giám sát hiệu quả, theo Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cần phân tích cái cũ, nhận định thực sự khoa học, trong đó làm rõ vì sao thời gian vừa qua bị phá vỡ quy hoạch điện, sắp tới có tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo hay không, phát triển ở mức như thế nào?...

Giám sát cần tập trung vào việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với các ý kiến phát biểu tại phiên họp, các ý kiến góp ý sâu sắc, đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu bổ sung trong Đề cương giám sát và quá trình tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát xác định rõ hơn mục đích, căn cứ, phạm vi thực hiện chuyên đề giám sát này. Hiện có nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, nhưng giám sát của Quốc hội, của UBTVQH cần tập trung đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư, kế hoạch, quyết định…) để triển khai các luật; giám sát việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, kết quả, tồn tại, hạn chế như thế nào?

qh-1-1663996941.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, mục tiêu cuối cùng của giám sát của Quốc hội là gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mục tiêu cuối cùng của giám sát của Quốc hội là gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Việc giám sát cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, có xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào. Giám sát tập trung vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điện, trong đó quy hoạch điện 7 điều chỉnh, quy hoạch điện 8… Bên cạnh đó, tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, chính sách tiết kiệm năng lượng, các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, chính sách liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực, việc thu hút FDI, các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, …

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý hoạt động giám sát cần tránh chồng chéo, trùng lặp. Đoàn giám sát cần khai thác kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán, kết quả giám sát của Ban Kinh tế Trung ương và những chuyên đề giám sát trước đây mà Ủy ban Kinh tế đã triển khai…. sử dụng kết quả đã có phân tích, đánh giá để đạt được mục tiêu của cuộc giám sát này.

Giám sát trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề nổi bật của ngành năng lượng.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, của các cơ quan để hoàn thiện Kế hoạch, Báo cáo, Hồ sơ giám sát, lưu ý tiếp thu đầy đủ ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó tập trung vào một số vấn đề:

Thứ nhất, xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát, hoàn thiện kế hoạch chi tiết để công báo cáo lựa chọn đối tượng giám sát. Tổ chức khảo sát làm việc, triển khai giám sát, bố trí lực lượng làm việc các Bộ, ngành trọng điểm, địa phương phù hợp, không hình thức, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương. Huy động Hội đồng nhân dân các địa phương phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương, khuyến khích nhưng không bắt buộc Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát và có báo cáo giám sát riêng. Lưu ý điều phối tránh nhiều đoàn giám sát trong cùng một địa phương.

qh-2-1663996940.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Thứ hai, lưu ý một số nội dung lớn cần làm rõ của giám sát đó là rà soát, đánh giá và có ý kiến cụ thể về việc triển khai các căn cứ để phát triển năng lượng. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các luật, các nghị quyết Quốc hội, nghị quyết UBTVQH có liên quan về phát triển năng lượng; ban hành các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Các Bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân đối với kết quả đạt được và bất cập, hạn chế. Đánh giá tổng thể việc ban hành chính sách, thực hiện chính sách và có ý kiến đề nghị cụ thể hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện. Lưu ý đánh giá các kiến nghị và giải pháp cụ thể về tổ chức quản lý nhà nước, phân công phân nhiệm về quản lý năng lượng cho phù hợp.

Thứ ba, nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung chuyên sâu do đó cần tiếp tục xem xét, rà soát đảm bảo tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Nghiên cứu kỹ để sử dụng các kết quả của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và của các chuyên đề giám sát của các cơ quan của Quốc hội cho các hoạt động giám sát. Đoàn giám sát lựa chọn một số nội dung quan trọng để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo, chuyên gia, hội thảo khoa học để làm rõ thêm một số vấn đề.

Thứ tư, tiếp tục rà soát phù hợp của các địa phương, báo cáo tương ứng với các đối tượng giám sát. Do đặc thù việc quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nên ngoài những vấn đề chung, nội dung yêu cầu Bộ, ngành, địa phương báo cáo phải tách biệt rõ ràng những vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, tập trung nghiên cứu, đánh giá, có kiến nghị chính sách về chuyển đổi năng lượng, về cơ chế đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự phòng, dự trữ năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn năng lượng và sử dụng tiết kiệm có hiệu quả năng lượng. Những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh năng lượng và các cam kết quốc tế hiện nay về vấn đề năng lượng trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền, an ninh năng lượng bền vững, phù hợp với tỉnh hình thực tiễn Việt Nam.

Thứ sáu, theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình UBTVQH xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 9/2023 của UBTVQH; đề nghị rà soát lại toàn bộ mốc thời gian kế hoạch và để đảm bảo tương thích, phù hợp và kịp tiến độ…

Một số hình ảnh Phiên họp:

qh3-1663996085.jpg
Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch, đề cương giám sát của Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
qh4-1663997657.jpg
Được sự ủy quyền của Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, thành viên Đoàn giám sát trình bày tóm tắt dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát.
qh5-1663997657.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp.
qh6-1663997657.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Đoàn giám sát xem xét chính sách về xuất nhập khẩu và chiến lược đầu tư nâng cao năng lực của các ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó ngành than hiện đang có nhiều khó khăn, bất cập.
qh7-1663997838.jpg
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh đến 3 nội dung cơ bản của Đoàn giám sát cần hoàn thành, đó là: đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển bền vững của ngành năng lượng và bảo đảm góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung​.
L.H-P.T