Báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, do tính đặc thù Quốc hội tổ chức giám sát chung cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), căn cứ vào tình hình chương trình dân tộc thiểu số và miền núi lần đầu tiên được triển khai thực hiện, có nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và đang trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, Đoàn chủ yếu sẽ tập trung vào giám sát giữa kỳ, đánh giá các văn bản về chỉ đạo, điều hành, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật để triển khai thực hiện. Riêng đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại đã có kết quả thực hiện từ giai đoạn trước, do vậy, ngoài giám sát về các văn bản chỉ đạo, điều hành, Đoàn còn giám sát một số kết quả đã triển khai thực hiện.
Do đó, Đoàn Giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả công tác chỉ đạo điều hành chung các chương trình; chỉ đạo, điều hành riêng từng chương trình); việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình; kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các chương trình.
Về phạm vi, kế hoạch giám sát, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định trong các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.
Giám sát cần bám sát quy định các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành thể chế hóa thành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát.
Đoàn Giám sát xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các mốc thời gian cần hoàn thành; dự kiến các bộ, ngành, địa phương sẽ giám sát trực tiếp (6 bộ và 15 địa phương); danh sách phân công các thành viên Đoàn Công tác; cho ý kiến về nội dung phân công để đảm bảo tính cơ cấu giữa Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, cơ cấu về chuyên môn, giới…; cho ý kiến về số lượng, các loại đề cương báo cáo…; xin ý kiến về các tài liệu trình ra tại Hội nghị toàn quốc về triển khai giám sát của Quốc hội năm 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 27/9 tới…
Làm rõ nguyên nhân chậm triển khai
Đánh giá cáo công tác chuẩn bị kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững như một điểm sáng, về đích trước gần 5 năm. Tuy nhiên, hiện nay, các phong trào thi đua không còn rầm rộ, sôi nổi như thời gian trước.
“Việc giám sát lần này cần trả lời câu hỏi có đúng là chậm trễ hay không? Nếu có, ngoài nguyên nhân tác động khách quan do đại dịch COVID-19, nguyên nhân chủ quan là gì, từ đó có giải pháp đẩy mạnh việc này”, Chủ tịch Quốc hội nêu; đồng thời yêu cầu làm rõ vấn đề “có hay không việc trục lợi, lợi dụng chính sách”.
Nhấn mạnh tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, Chủ tịch Quốc hội nêu, vấn đề huy động và sử dụng các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ là ngân sách nhà nước mà còn là nguồn lực huy động từ xã hội rất lớn, nhất là nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc giám sát cần đánh giá sâu hơn nữa về quá trình quản lý, huy động và sử dụng các nguồn lực này; đồng thời, rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu/nâng cao trong thực tiễn…
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhất trí với dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời yêu cầu Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương hoàn chỉnh để hoàn thiện kế hoạch, báo cáo, phục vụ triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần đánh giá rõ nguyên nhân chậm triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nhận định các rủi ro, nguy cơ khi triển khai để xác định giải pháp phù hợp; có hay không việc trục lợi chính sách; đánh giá tổng hợp việc huy động, sử dụng, đầu tư, giải ngân các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội xem đã đảm bảo yêu cầu đề ra và công sức của người dân hay chưa, có hay không việc lạm dụng sức dân trong thực hiện...
Xung quanh việc nợ đọng của các chương trình, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua giám sát cần làm rõ tình hình giải quyết và các kiến nghị chính sách cụ thể, rõ ràng; nêu rõ kinh nghiệm giải quyết nợ đọng ngay từ khâu điều phối các nguồn lực của chương trình hiện nay…