Festival “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử” sẽ diễn ra vào tháng 9

Kế hoạch tổ chức Festival Thu Hà Nội lần thứ hai năm 2024 vừa được UBND thành phố ban hành, sự kiện sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 12 đến 15/9/2024, dự kiến tại khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu, phố Đinh Tiên Hoàng, khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ (sân 3 trước Tượng đài Lý Thái Tổ, Nhà Bát Giác), phố Lê Thạch, quận Hoàn Kiếm và một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

thu-ha-noi-1718337467.jpg
Hồ Gươm, Hà Nội khi thu về. Ảnh: internet

Festival Thu Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) nhằm quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa lịch sử, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, điểm đến di tích, di sản của Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn, chất lượng và an toàn.

Festival Thu Hà Nội với các chủ đề về thu Hà Nội tổ chức trên địa bàn Thủ đô, đồng thời giới thiệu những giá trị độc đáo của làng nghề, di sản văn hóa của Hà Nội - những giá trị được coi là tinh hoa của cả nước với những nét đặc trưng riêng biệt.

Festival Thu Hà Nội năm 2024 với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, quận, huyện, doanh nghiệp, điểm đến du lịch cũng là dịp triển khai các hoạt động kích cầu du lịch đến Hà Nội, thu hút nhân dân các địa phương trong nước và du khách quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội.

Festival Thu Hà Nội năm 2024 có nhiều hoạt động đặc sắc. Ngoài Lễ khai mạc và Chương trình nghệ thuật “Thu Hà Nội” sẽ có khoảng 150 gian hàng tham gia Festival chia thành các khu vực theo thiết kế và dàn dựng dọc phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác.

Các không gian, mô hình giới thiệu quảng bá Di tích lịch sử Hà Nội; không gian tái hiện hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về; Không gian “Hà Nội 12 mùa hoa”; Khu vực giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tiêu biểu; Không gian quảng bá sản phẩm làng nghề (bằng sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ); Không gian ẩm thực “Hương sắc Hà Nội”; Khu gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch các tỉnh, thành phố; Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế để giới thiệu điểm đến văn hóa du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương; Khu vực các đơn vị tài trợ; Khu không gian trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí “Hà Nội - nhịp sống thanh xuân”.

Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động diễu hành, trình diễn của Thành Đoàn và 30 quận, huyện, thị xã (múa lân sư rồng của huyện Thanh Oai, rước đèn trung thu của huyện Sơn Tây, trình diễn diều Đông Anh, hoa Mê Linh, trình diễn múa rối cạn Tế Tiêu - Mỹ Đức...);  Hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực của người Hà Nội: Giới thiệu nghệ thuật chế biến và thưởng thức trà sen Hồ Tây, các sản phẩm từ cốm truyền thống của Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, xôi Phú Thượng, nem Phùng, bánh dày Quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, giới thiệu ẩm thực truyền thống của người Hà Nội xưa và nay; Hoạt động dân vũ, khiêu vũ thể thao; trình diễn thời trang áo dài; hoạt động diễu hành của thiếu nhi, vẽ tranh thiếu nhi và triển lãm tranh thiếu nhi.

Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu sản phẩm, điểm đến văn hóa du lịch diễn ra tại sân khấu và tại các gian hàng, tập trung vào một số quận, huyện có tiềm năng phát triển du lịch. Trưng bày, giới thiệu Hà Nội qua ảnh theo chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử” giới thiệu ảnh tư liệu và ảnh phóng sự về Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại sân 3 phía trước tượng đài Lý Thái Tổ. 

Hoạt động hưởng ứng, đồng hành cùng Festival Thu Hà Nội tại các điểm đến du lịch, các cơ sở dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực, mua sắm, giải trí trên địa bàn các quận, huyện Thành phố Hà Nội: Đăng ký điểm đến hưởng ứng Festival Thu Hà Nội, có chương trình khuyến mãi thu hút khách du lịch trong dịp tổ chức Festival Thu Hà Nội.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra từ 19h30 đến 20h00 ngày 13/9. Ngay sau đó là Chương trình nghệ thuật “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử” (từ 20h00 đến 22h00) tại sân khấu khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu.