Điền kinh Singapore giành kết quả tốt nhất kể từ năm 1993, nhưng…

Sự kiên nhẫn và kiên trì đã được đền đáp khi đội tuyển điền kinh của Singapore giành được 11 huy chương (1 vàng, 3 bạc, 7 đồng) và đây được đánh giá là kết quả tốt nhất mà Singapore giành được kể từ năm 1993.

veronicashantipereiratokyo2020gettyimages-1234387835-1653022992.jpg
Shanti Pereira - một gương mặt tài năng trẻ của Điền kinh Singapore

Theo kế hoạch, đội tuyển điền kinh Singapore sẽ trở về nước trong ngày hôm nay (20/5) với số huy chương tốt nhất mà họ có thể giành được trong gần 30 năm qua. Các vận động viên trẻ của điền kinh Singapore đã nỗ lực mang về 11 huy chương (1 vàng, 3 bạc và 7 đồng) - đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với lần tổ chức gần đây nhất tại Philippines, nơi họ chỉ giành được 3 huy chương đồng. Mặc dù vậy, giới chuyên môn tại Singapore vẫn khiêm tốn nhìn nhận, điền kinh nước này sẽ còn nhiều việc phải làm để tiếp tục hướng tới các mục tiêu xa hơn - đó là châu lục và Olympic.

Đối với Singapore, lần cuối cùng họ mang về số huy chương đạt 2 con số là SEA Games trên sân nhà năm 1993, với 12 huy chương giành được (1 vàng, 3 bạc và 8 đồng). Chủ tịch của Liên đoàn điền kinh Singapore (SA) Lien Choong Luen đã rất "phấn khích" với màn trình diễn của đội: “Trước hết, tôi rất tự hào về các vận động viên và cả các huấn luyện viên vì đã giữ vững niềm tin chiến thắng trong suốt thời gian đại dịch. Một lời cảm ơn lớn cũng phải được gửi đến các quan chức kỹ thuật và nhóm các nội dung (ở SA), cũng như cộng đồng điền kinh trong màn trình diễn này”.

Đây là Đại hội đầu tiên kể từ khi Lien và các cộng sự của ông được bầu làm lãnh đạo của SA vào tháng 9/2020. Họ đã tìm cách điều hành Liên đoàn, trước đó vốn bị cản trở bởi đấu đá nội bộ, với cách tiếp cận tập trung vào vận động viên hơn. Cựu vận động viên chạy nước rút quốc gia và là người giữ kỷ lục 100m nam U.K Shyam nói rằng, sự tiến bộ rõ rệt cũng là kết quả của việc các vận động viên được đặt đúng vị trí sở trường của mình.

Shyam, 45 tuổi, cho biết: “Các huy chương cho thấy, chúng tôi không thiếu tài năng. Một số em đã tham dự một vài kỳ SEA Games và giờ đã trưởng thành hơn, có sự điềm tĩnh và kiên định sau nhiều năm tập luyện và thi đấu. Ở cấp độ này, việc cần làm là tập trung vào môn thế mạnh của mình và nâng cao thành tích theo thời gian". Ông đưa ra ví dụ về vận động viên vượt rào 110m Ang Chen Xiang, 27 tuổi, người đã giành huy chương bạc đầu tiên của mình trong lần tham dự SEA Games thứ tư. Các vận động viên khác như Tan Zong Yang 27 tuổi (400m), Calvin Quek 26 tuổi (400m vượt rào) và Goh Chui Ling 29 tuổi (1.500m và 10.000m) cũng đột phá giành được huy chương SEA Games sau nhiều năm tham gia không mấy ấn tượng.

Shyam phân tích: “Tại Á vận hội, hiếm khi bạn giành được huy chương trong lần ra quân đầu tiên vì bạn cần một vài chu kỳ tập luyện và thi đấu để đạt được mục tiêu đó. Ở SEA Games bây giờ cũng vậy. Các tiêu chuẩn trong khu vực đang được cải thiện so với 20 năm trước và tất cả các ranh giới đang mờ dần”.

Thách thức đặt ra cho điền kinh Singapore, theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Luis Cunha cho biết, đó là: “Hệ thống ở Singapore không cho phép các vận động viên có một sự nghiệp lâu dài “bình thường”. Sau khi học xong đại học, họ bắt đầu đi làm (thay vì tiếp tục được đào tạo). Và nếu bạn có một công việc hành chính, thật khó để được đào tạo tốt. Thành tích vẫn có thể đạt được, nhưng sẽ không dễ dàng để cạnh tranh ở cấp độ quốc tế với các vận động viên tập luyện toàn thời gian. Và đây là vấn đề ảnh hưởng đến các vận động viên ở nhiều môn thể thao, không chỉ ở môn điền kinh”.

Cunha cảnh báo, trừ khi điều này được khắc phục, thành công ở Hà Nội có thể chỉ là một điểm sáng. “Một số người sẽ rất vui vì chúng tôi có nhiều tân binh xuất sắc. Nhưng sự thật là, một số sẽ nghỉ thi đấu trong 2 hoặc 3 năm tới, vì vậy cuối cùng chúng tôi vẫn chỉ luôn ở giai đoạn xây dựng", ông nói.

Phương Quyên