Đề cao ý thức người dân, sớm có kế hoạch mở lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh

Tại Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023 do Bộ Y tế trình.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11.

Rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch thời gian tới

Trong đó, Chính phủ lưu ý cần phải rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu; trong đó nhấn mạnh: (i) các biện pháp y tế với 3 trụ cột: Cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể, xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể; (ii) các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và việc đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.  

Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác. Đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vaccine và bảo đảm thuốc điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế; giảm thiểu tỉ lệ tử vong.  

Sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học 

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch; sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.  

Tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất nhu cầu, cơ chế đầu tư bổ sung, kiện toàn, cân nhắc tập trung ở quy mô khu vực; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực hiện có.  

Đồng thời, làm rõ nhu cầu vaccine, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm rõ ràng, cụ thể. Có cơ chế hỗ trợ sản xuất trong nước vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19.  Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vaccine phòng COVID-19; tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân và tăng cường sự phối kết hợp giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong phòng, chống dịch.  

Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2022 các   Luật về dược, khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.  

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023. 

Triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức đầu tư công 

Về Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và một số cơ chế, chính sách đặc thù, Nghị quyết nêu rõ: Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và một số cơ chế, chính sách đặc thù và kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. 

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, Chính phủ thống nhất triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.  

Về nguồn vốn, ngoài phần vốn đã bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 29/2001/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, phần còn thiếu sẽ được bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.  

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tại Nghị quyết này, Chính phủ cơ bản thống nhất các chính sách và thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; giao Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình kỳ họp chuyên đề tháng 12 năm 2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp và giao Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội nêu trên. 

PT