Đà Nẵng đón nhận vinh danh Di sản tư liệu Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Ngày 1/3, TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

7555-1677664677.jpg
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL trao bằng công nhận di sản cho TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, danh thắng Ngũ Hành Sơn là miền đất đậm chất di sản, là nơi hội tụ của 04 di sản cấp quốc gia và khu vực.

Ma nhai là hệ thống văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa-giáo dục.

Đặc biệt, từ nội dung bia ma nhai, có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước Đông Á từ thế kỷ 17, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở của Việt Nam từ thời trung đại, cũng như các kỹ thuật chạm khắc đá truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay.

7556-1677664677.jpg
Ma nhai là văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá. Ảnh: VGP

Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng.

"Thành phố sẽ có giải pháp, phương án quản lý, bảo tồn danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung và ma nhai nói riêng với định hướng bền vững, lâu dài. Trong đó, thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai, ứng dụng công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý; đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai", lãnh đạo TP. Đà Nẵng khẳng định.

7557-1677664677.jpg
Ma nhai là văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá. Ảnh: VGP

Phát biểu tại lễ đón nhận bằng di sản, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, từ năm 1993 đến nay, UNESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của thế giới đối với những nỗ lực của Việt Nam đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong sự phát triển bền vững và giao lưu, hội nhập văn hoá.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2022, là kết quả của những nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, đặc biệt phải nói tới vai trò của cộng đồng người dân có di sản và sự quyết tâm bảo vệ di sản của TP. Đà Nẵng.

Dịp này lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị TP. Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm kê di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu trên toàn thành phố, lập đề án, dự án quản lý, tư liệu hoá, quảng bá di sản, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai tại Ngũ Hành Sơn nói riêng và di sản văn hoá nói chung góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ma nhai là hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.

Ngày 26/11/2022, tại hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chương trình Ký ức thế giới là một trong ba sáng kiến của UNESCO nhằm bảo vệ và nâng cao nhận thức về di sản tư liệu nói riêng và di sản văn hóa toàn cầu nói chung, hai sáng kiến trước đó là: Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 và Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.

Lưu Hương