Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: V.League teo tóp, đá 10 tháng kiểu gì?

Tân huấn luyện viên trưởng Philippe Troussier muốn V.League diễn ra trong 10 tháng để cầu thủ có cơ hội thi đấu thường xuyên, nhưng thực tế, sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam đang “teo tóp” với số lượng các đội bóng có nguy cơ giải thể, rút lui tăng lên theo từng mùa.

Không có đủ số lượng các đội bóng tham dự, các giải đấu được xếp vào hàng “sân sau” như hạng Nhất, Cúp quốc gia đang ngày càng thưa vắng. Nếu như V.League vẫn gắng gượng duy trì được 14 đội thì giải hạng Nhất mùa bóng 2023 chỉ còn vỏn vẹn 10 đội, Cúp quốc gia có 24 đội, trong khi V.League có năm chỉ còn 12 đội góp mặt, trong số đó có nhiều câu lạc bộ chưa đạt chuẩn nhưng vẫn đươc đặc cách để tham dự giải.

Số lượng các đội bóng không tăng, thậm chí còn giảm đi nên để kéo dài mùa giải diễn ra trong 10 tháng là phi thực tế. Tính ra, các câu lạc bộ ở V.League đá trung bình trên dưới 30 trận mỗi mùa giải, hạng Nhất còn đá ít hơn nữa khi chỉ còn 10 đội. Theo các chuyên gia, để mùa giải chuyên nghiệp diễn ra liên tục trong 10 tháng, số lượng các đội bóng góp mặt ở V.League phải trên dưới 20 đội, mới có thể đạt được con số thi đấu khoảng 45-50 trận mỗi mùa giải. V.League hiện chỉ có 14 đội, trong khi giải hạng Nhất hiện chỉ còn 10 đội bóng tham dự nên đá liên tục vài tháng đã hết giải.

Với thể thức thi đấu hai giai đoạn, phân nhóm như mùa bóng năm nay, các đội dự V.League đá 13 trận lượt đi, nếu nằm trong top 8 sẽ đá thêm 7 trận ở giai đoạn 2 và tối đa 4 đến 5 trận ở Cúp Quốc gia cũng chỉ dừng ở mức 25 trận mỗi mùa. Riêng các đội thi đấu tại Cúp châu Á có thể đá thêm vài trận nữa. Các đội bóng đang thi đấu tại giải hạng Nhất còn “rảnh chân” hơn khi chỉ đá lượt đi với 9 vòng đấu, đá thêm 4 đến 5 trận ở giai đoạn 2, cộng cả Cúp Quốc gia vẫn chưa tới 20 trận mỗi mùa, chưa bằng phân nửa con số 45 đến 50 trận như kỳ vọng.

nghi-thi-dau-dai-khien-cac-cau-thu-kho-duy-tri-phong-do-va-bat-nhop-tro-lai-voi-giai-dau-1678684442.jpg
Nghỉ thi đấu dài khiến các cầu thủ khó duy trì phong độ và bắt nhịp trở lại với giải đấu

Thi đấu ít, trong khi giải đấu còn bị ngắt quãng khiến các câu lạc bộ lâm vào cảnh “ngồi chơi xơi nước” quá lâu. Thực tế, gần nửa năm qua các đội bóng thi đấu ở giải hạng Nhất chỉ tập chay, chờ mùa giải mới khởi tranh vào giữa tháng 4 tới, dự định kết thúc trong tháng 8. Thực tế, hai quãng nghỉ liên tiếp ở V.League từ giữa tháng 2 kéo dài tới cuối tháng 5 càng khiến các câu lạc bộ mệt mỏi.

Cầu thủ cần được thi đấu thường xuyên để tích lũy kinh nghiệm và phát triển tài năng. Không chỉ huấn luyện viên Troussier và các cộng sự ở đội tuyển nhìn thấy bất cập từ hệ thống thi đấu, khi có nhiều cầu thủ trẻ không được ra sân thi đấu nửa năm trời. Chơi dài, nhưng khi vào giải thì các câu lạc bộ lại phải lập tức đối diện với lịch thi đấu bị dồn toa, thay vì một tuần thì phải đá 4 đến 5 ngày một trận cho kịp “khung thời vụ”.

Có lẽ phải đợi tới mùa bóng 2023-2024, các giải chuyên nghiệp Việt Nam chuyển sang thi đấu theo lịch châu Âu, mọi chuyện mới được cải thiện hơn. Theo đó, mùa giải 2023-2024 sẽ kéo dài 8 tháng, từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024 với lịch thi đấu được tích hợp và điều chỉnh giống với thông lệ quốc tế hơn. Tuy nhiên, để nâng số lượng các trận đấu và đảm bảo cầu thủ được ra sân thi đấu 45-50 trận mỗi mùa giải vẫn là ý tưởng xa vời khi nhìn vào số lượng các đội bóng góp mặt tại V.League và giải hạng Nhất.

Việt Hưng