Câu lạc bộ Trẻ thành phố Hồ Chí Minh giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025 hồi tháng 6 sau khi vượt qua đội bóng do huấn luyện viên Park Hang-seo làm cố vấn ở loạt đá luân lưu 11m, sau khi bất phân thắng bại với tỷ số 2-2 ở 90 phút thi đấu chính thức trong trận play-off. Lên hạng, Trẻ thành phố Hồ Chí Minh lập tức đổi đời khi nhận được sự đầu tư, tài trợ lớn để gom quân, tuyển tướng, chiêu mộ hàng loạt cầu thủ tên tuổi từ V.League xuống chơi ở giải hạng Nhất và lột xác với tên gọi mới - Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh.
"Sồn sồn" chẳng bao lâu, Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh lại tính chuyện “biến hình” xin tiếp tục đổi áo, thay tên gọi mới - Ninh Bình FC - để đăng ký thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025. Chuyện chẳng có gì lạ khi V.League cũng đã từng chứng kiến không ít câu lạc bộ “xoay tua” tên gọi tít mù theo nguyên tắc, người chi tiền tài trợ có quyền đổi tên đội bóng. Mùa giải năm ngoái, câu lạc bộ Bình Định 3 lần xin đổi tên, Hoàng Anh Gia Lai sau khi gắn thêm mác LP Bank mới đá nửa mùa thì lại bị “đụng hàng” với Nhà tài trợ chính V.League 2024-2025 nên đành gỡ bỏ để trở về với tên gọi cũ.
Các đội bóng hạng Nhất và V.League chấp nhận thay tên để đổi lấy gói tài trợ, dù được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xét đặc cách, nhưng chỉ được sử dụng tên gọi gắn với Nhà tài trợ ở V.League còn khi bước ra sân chơi quốc tế thì bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấm tiệt. Mới nhất, tại Lễ bốc thăm AFC Champions League 2 hay còn gọi là Cúp C2 châu Á 2024-2025, Thép Xanh đã hoàn toàn biến mất khỏi tên gọi câu lạc bộ Nam Định.
Chuyện thay đổi tên gọi câu lạc bộ như đèn cù dù quốc tế không thừa nhận nhưng đã trở thành “đặc sản” của V.League. Lý do của VFF và các nhà tổ chức là tạo điều kiện cho các câu lạc bộ tìm kiếm và thu hút tài trợ, vốn được coi là nguồn thu chủ yếu để trang trải các chi phí tham dự giải và duy trì hoạt động của các đội bóng. Nhưng dù “mắt nhắm mắt mở” với cơ chế thoáng thì cũng phải có những giới hạn và làm theo thông lệ để đảm bảo tính toàn vẹn cho các giải đấu và sự ổn định cho chính các câu lạc bộ.
Tên gọi của các đội bóng không chỉ là biểu tượng, hình ảnh hay truyền thống mà còn là thương hiệu có giá trị hẳn hoi, lẽ nào cứ thích là thay xoành xoạch đến nỗi chẳng còn ai nhận ra. Giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025 đang đối diện với nhiều bất trắc khi các câu lạc bộ vốn đã ít lại đang gặp phải những khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực tài chính. Trong khi có câu lạc bộ phải tự giải thể như Định Hướng Phú Nhuận hay may mắn được “giải cứu” kịp thời như Long An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… thì cá biệt, cũng có những đội bóng "xông xênh" tới mức chi tiền thả phanh trên thị trường chuyển nhượng.
Không biết bao giờ V.League mới có khái niệm công bằng tài chính như các giải đấu chuyên nghiệp khác để kiểm soát các câu lạc bộ và cả các ông chủ đứng đằng sau vung tiền lũng đoạn thị trường chuyển nhượng và làm ra những việc chẳng giống ai.