V.League 2024-2025 dự định khởi tranh vào ngày 14/9 tới, sau 3 vòng đấu diễn ra trong tháng 9 sẽ tạm nghỉ trong khoảng 2 tuần để đội tuyển tập trung, thi đấu giao hữu dịp FIFA Days. Các câu lạc bộ sẽ quay trở lại đá thêm 3 vòng nữa trong tháng 10 và tháng 11 và tiếp tục nghỉ để nhường sân chơi cho đội tuyển. Trong tháng 9, 10 và 11, có tổng cộng 3 kỳ nghỉ FIFA Days, nhưng nhiều khả năng, đội tuyển sẽ không hội quân vào dịp FIFA Days tháng 11 để các câu lạc bộ tiếp tục thi đấu tại V.League.
Sở dĩ có sự thay đổi bởi mới đây, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa thông báo, sẽ lùi thời điểm khởi tranh ASEAN Cup 2024 tới ngày 9/12 thay vì thi đấu theo lịch cũ, diễn ra từ ngày 23/11. Theo tính toán của huấn luyện viên Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam cần có ít nhất 3 tuần để tập trung, hoàn tất khâu chuẩn bị trước khi bước vào các trận đấu chính thức tại ASEAN Cup 2024. Để có đủ thời gian, đội tuyển Việt Nam sẽ phải hội quân từ cuối tháng 11.
ASEAN Cup 2024 khởi tranh muộn hơn thông lệ ít nhiều sẽ gây xáo trộn cho V.League 2024-2025. Cụ thể, VPF và Ban Tổ chức giải sẽ phải tính toán kỹ để điều chỉnh cho sát với những thay đổi trên thực tế. Theo đó, V.League sẽ được đặt ở chế độ chờ, nếu đội tuyển Việt Nam lọt vào tới trận chung kết ASEAN Cup 2024 như mục tiêu kỳ vọng thì các câu lạc bộ sẽ phải đợi đến sau ngày 5/1 mới có thể khởi động lại cuộc đua tại V.League.
Ở thời điểm hiện tại, VPF và Ban Tổ chức giải mới chỉ xếp lịch cho các vòng đấu tại V.League 2024-2025 diễn ra từ ngày 14/9 đến 20/11. Sau vòng đấu thứ sáu, các đội bóng có thể sẽ bước vào kỳ nghỉ kéo dàì hơn 1 tháng rưỡi. Điểm khác biệt so với các mùa bóng trước là dù đội tuyển tập trung và V.League tạm nghỉ, nhưng giải hạng Nhất Quốc gia năm 2024-2025 vẫn diễn ra bình thường, bởi thực tế, có rất ít khả năng huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ triệu tập các cầu thủ đang thi đấu ở các câu lạc bộ hạng Nhất lên đội tuyển. Mặc dù, trong kỳ chuyển nhượng đang diễn ra, đã có một vài tuyển thủ quốc gia chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Nhất như tiền đạo Đinh Thanh Bình từ Hoàng Anh Gia Lai về đầu quân cho đội Trẻ thành phố Hồ Chí Minh…
Từ mùa giải 2024-2025, VFF và VPF cũng “đổi mới tư duy” không dừng các giải đấu trong nước trong thời gian các đội tuyển trẻ tập trung và thi đấu tại các giải trẻ châu Á và Đông Nam Á. Mùa bóng tới, cũng chỉ có duy nhất câu lạc bộ Nam Định tham dự Cúp C2 châu Á nên xác suất phải điều chỉnh, tổ chức các trận đá bù ở V.League cũng sẽ giảm đi đáng kể. Sau khi được FIFA hỗ trợ trang bị thêm 2 xe VAR di động, VPF đã lên kế hoạch “phủ sóng” tới các sân bóng để toàn bộ các trận đấu đều được sử dụng công nghệ mới.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam siết chặt các biện pháp phòng chống doping và sử dụng chất gây nghiện
VFF sẽ phối hợp với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống doping và sử dụng chất gây nghiện tại các giải Bóng đá quốc gia 2024-2025.
Theo đó, VFF và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) sẽ thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên từ 2 đến 4 cầu thủ mỗi đội bóng, bao gồm khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu/máu để phát hiện các chỉ số bất thường và các chất ma túy, chất gây nghiện.
Trong trường hợp phát hiện cầu thủ có mẫu xét nghiệm dương tính với chất ma túy, chất gây nghiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ phải nhận hình thức kỷ luật bổ sung từ VFF.
Mùa giải 2023-2024, V.League chấn động khi Công an bắt quả tang 5 cầu thủ của câu lạc bộ Hà Tĩnh sử dụng chất cấm trong khách sạn và bị khởi tố.
Nhiều người cho rằng, đấy chỉ là phần nổi của tảng băng và thực tế, việc cầu thủ sa đà, bị lôi kéo vào các tệ nạn nạn phức tạp hơn nhiều. Chính vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn là rất cấp bách để đảm bảo môi trường lành mạnh cho Bóng đá Việt Nam.