Mùa bóng 2023-2024 đã chính thức hạ màn sau trận chung kết Cúp Quốc gia trên sân Thanh Hóa vào chiều 7/7. Danh hiệu cuối cùng của mùa giải đã được trao cho đội bóng xứ Thanh, bảo vệ thành công Cúp vô địch sau khi vượt qua Hà Nội FC ở loạt sút luân lưu 11m. Trước đó, Nam Định cũng đã tưng bừng mở hội, chào đón chức vô địch V.League sau gần 40 năm, ngôi vị quán quân ở giải hạng Nhất cũng sớm thuộc về SHB Đà Nẵng cùng suất vé thăng hạng. Mùa bóng 2023-2024 về đích theo đúng lộ trình, dù vẫn còn nhiều bất cập khi Lịch thi đấu tiếp tục bị ngắt quãng và phải dồn toa ở giai đoạn cuối, các trọng tài vẫn bị kêu ca, phản ứng dù một số trận đấu đã sử dụng VAR, thậm chí có huấn luyện viên còn lớn tiếng chỉ trích Ban Tổ chức, các quan chức điều hành giải đấu và dọa gửi đơn khiếu nại tới tận FIFA.
Người trong cuộc tường tận mọi ngóc ngách, chiêu trò, chê V.League thiếu chuyên nghiệp, không hấp dẫn nên nguồn thu từ các Nhà tài trợ, bản quyền truyền hình kém xa các giải đấu trong khu vực như Thai League, Super League của Malaysia hay Liga I của Indonesia… Trong đợt cấp phép mới đây, V.League chỉ có 4 câu lạc bộ đạt chuẩn được cấp phép thi đấu chuyên nghiệp, nhiều câu lạc bộ khác phải “đặc cách” để thi đấu, thậm chí kèm thêm án phạt, cho thấy sự phát triển thiếu căn cơ, ổn định và bền vững.
Giờ ít ai dám vỗ ngực nói, V.League hấp dẫn nhất Đông Nam Á như nhiều năm trước, dù theo công bố mới đây của trang ASEAN Foootball, V.League thu hút đông đảo khán giả nhất, đặc biệt 2 câu lạc bộ Nam Định và Hải Phòng lọt vào tốp 10 câu lạc bộ được người hâm mộ theo dõi nhiều nhất. Tất nhiên, những con số thống kê chỉ mang tính tương đối, cho thấy sự hâm mộ có thừa của các cổ động viên Việt Nam, bất chấp thực tế, V.League vẫn đang xếp sau các giải đấu hàng đầu khu vực như Thai League, Super League… ở tính chuyên nghiệp, tiềm lực tài chính và khả năng thu hút nguồn lực tài trợ.
V.League chỉ thực sự hấp dẫn ở khía cạnh chuyển nhượng khi mới đây, nhà môi giới chuyên nghiệp Jernej Kamensek có thâm niên ở V.League nhận xét khá chua chát rằng, nhiều cầu thủ Việt Nam đang được chào mời và chuyển nhượng với giá quá cao so với năng lực thực tế của họ. Một cầu thủ thuộc diện “ngôi sao” ở V.League có thể nhận lương nhiều gấp 10 lần so với con số thực tế mà họ đáng được nhận. Chuyện một câu lạc bộ vô địch năm trước, mùa sau đã liêu xiêu, lâm vào cảnh nợ nần vì vung tiền chi tiêu quá nhiều, thậm chí phải giải thể không còn là cá biệt.
V.League Awards tôn vinh các danh hiệu, giải thưởng các câu lạc bộ, cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài… đã giành được, dù giá trị đích thực không phải lúc nào cũng cân, đong, đo, đếm được bằng thành tích. Từ mùa giải tới, các câu lạc bộ V.League sẽ hoàn toàn vắng bóng ở sân chơi danh giá nhất châu Á, AFC Champions League Elite hay còn gọi là Cúp C1 châu Á, thay vào đó chỉ có 2 suất dự Cúp C2 - AFC Champions League Two dành cho Nam Định và Thanh Hóa, dù cả 2 đội bóng vừa đăng quang ngôi vô địch đều phải nhờ xét đặc cách kèm án phạt mới được tham dự.
Bóng đá Việt Nam từ phong trào tiến lên bán chuyên rồi chuyên nghiệp đã gần 1/4 thế kỷ, nhưng nhiều câu lạc bộ vẫn chưa thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình thì nói chi tới chuyện “ăn nên làm ra”. Đến ngay cả phiên hiệu còn không giữ nổi, cứ liên tục thay tên, đổi áo như đèn cù. Các câu lạc bộ được đầu tư bài bản và hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp thực sự ngày càng hiếm hoi, thay vào đó là những “đại gia, thiếu gia” mới nổi thích làm bóng đá theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” để mở rộng tầm ảnh hưởng và nuôi tham vọng thao túng cả cuộc chơi.
Số liệu chuyên môn V.League 2023-2024
Tổng số bàn thắng: 491 bàn; Trung bình 2,70 bàn/trận
Thẻ vàng: 645 thẻ; Trung bình 3,66 thẻ/trận
Thẻ đỏ: 29 thẻ; Trung bình 0,17 thẻ/trận
Khán giả: 1.072.000 người; Trung bình: 5.890 người/trận.