Trong 6 tháng đầu năm 2025, thực hiện các Quyết định tập trung của lãnh đạo Cục Thể dục thể thao Việt Nam, tính đến nay, Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia đã và đang thực hiện quản lý 57 đội tuyển gồm: 32 đội tuyển, 25 đội tuyển trẻ với số lượng bao gồm: 334 vận động viên đội tuyển, 337 vận động viên đội trẻ, 76 huấn luyện viên đội tuyển, 61 huấn luyện viên đội trẻ.
Các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt thành tích ấn tượng gồm: 192 huy chương vàng, 180 huy chương bạc, 191 huy chương đồng ở các giải trong nước. Ngoài ra, các vận động viên tập huấn tại Trung tâm cũng đạt 36 huy chương vàng, 51 huy chương bạc, 32 huy chương đồng ở các giải quốc tế.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2025, các đội tuyển tập luyện tại Trung tâm chuẩn bị cho các giải đấu trọng tâm như: SEA Games 33, Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần thứ 3 tại Bahrain, các giải quốc tế khác.
Để đảm bảo công tác tăng cường về nâng cao thể lực, chuyên môn cho các đội tuyển, Trung tâm thường xuyên quan tâm, giải quyết và đáp ứng yêu cầu của các đội tuyển khi đi tập huấn, dã ngoại, thi đấu cọ sát nhằm tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các chuyên gia huấn luyện nhằm nâng cao thể lực cho các đội tuyển, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp Bồi dưỡng cập nhật các kiến thức mới cho huấn luyện viên, vận động viên về công tác phòng chống doping, tư vấn dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cho vận động viên.

Khó khăn của Trung tâm là cơ sở chính tại TP.HCM vẫn nằm trong khuôn viên của trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM. Vì vậy, một số cơ sở vật chất, sân bãi, phòng tập,... vẫn được 2 bên sử dụng chung. Điều này gây ảnh hưởng đến tính chủ động của Trung tâm trong việc quản lý cơ sở vật chất phục vụ các đội tuyển. Các đội tuyển phải liên tục luân chuyển sang cơ sở khác để tiện cho việc tập luyện, riêng đội tuyển xe đạp địa hình tiếp tục tập luyện tại cơ sở 2 tại Mũi Né (tỉnh Lâm Đồng).
Bên cạnh đó, kinh phí chi cho nhiệm vụ thường xuyên hằng năm còn thấp, nhất là kinh phí phục vụ cho công tác quản lý các đội tuyển. Đặc biệt, Trung tâm lại nằm tại các địa bàn có mặt bằng chi phí giá cả sinh hoạt cũng như giá dịch vụ cao như: tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Phan Thiết đều cao so với mặt bằng chung của cả nước do đó dẫn đến thu nhập cũng như đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của Trung tâm sẽ là tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch chăm sóc nhóm vận động viên trọng điểm tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan. Với những môn thể thao trọng điểm, gồm: Bơi, Điền kinh, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Xe đạp đường trường, Bóng bàn, Cử tạ, Canoeing, Taekwondo, Kickbox, Bóng ném nam trong nhà, Judo, Muay, Taekwondo quyền, Aerobic, Boxing nữ.
Tiếp theo là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch chăm sóc vận động viên trọng điểm và vận động viên tài năng tại Trung tâm giai đoạn 2025-2030.
Ngoài ra, Trung tâm cũng xác định chỉ tập trung quan tâm, chăm sóc các vận động viên vào nhóm môn, nội dung tại ASIAD 2026 tại Nhật Bản: Thể dục dụng cụ (Ngựa vòng, Nhảy chống), Điền kinh (Chạy ngắn 100m), Taekwondo đối kháng nam (hạng cân 58kg, 68kg), Cử tạ nam, nữ (hạng cân 53kg, 65kg, 71kg, 88kg, 48kg), Bơi (nội dung trung bình), Xe đạp đường trường (nội dung đồng hành), Đấu kiếm (kiếm 3 cạnh), Rowing (Thuyền 4 nhẹ và Thuyền đôi nặng). Những môn có khả năng cạnh tranh huy chương gồm: Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Boxing, Taekwondo, Kiếm.

Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh rất chú trọng đến việc nâng cao kiến thức và khả năng áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác huấn luyện nhằm nâng tầm chuyên môn, tối ưu hóa quá trình tập luyện và đạt được hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, căn cứ Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung tâm xác định tập trung đầu tư trọng điểm, hướng đến ASIAD và Olympic các môn sau: Xe đạp; Đấu kiếm; Cử tạ; Taekwondo đối kháng; Boxing; Bắn cung.