Tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phát động từ năm 2019. Năm 2024 là năm thứ năm, Cuộc thi được tổ chức toàn quốc và được triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương, các trường Đại học, Học viện, cơ sở giáo dục trên cả nước.

thu-truong-trao-thuong-1729759367.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy (bìa phải) và Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trao giải "Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu"

Ngày 24/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc; Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được phát động từ tháng 4/2024. Cuộc thi là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động, Cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong việc góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đối với thế hệ trẻ.

Cuộc thi được tổ chức theo 2 vòng, Vòng sơ khảo tại Bộ Quốc phòng, các tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường Đại học/Học viện (từ tháng 4 đến ngày 30/6/2024); vòng Chung kết do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (từ ngày 01/7 đến hết tháng 10/2024). Đối tượng của cuộc thi là các em học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên cả nước (bao gồm các trường thuộc lực lượng vũ trang) và người khiếm thị. Sau 4 tháng phát động và triển khai, Vòng sơ khảo Cuộc thi đã thu hút 1.686.865 học sinh, sinh viên từ gần 9.200 cơ sở giáo dục tham gia. Một số tỉnh/thành và đơn vị đã triển khai cuộc thi sớm, có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng có thể kể đến như: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh…

Ban Tổ chức đã nhận được 517 bài dự thi đạt giải cao tại Vòng sơ khảo từ 60 tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường Đại học/Học viện thuộc Bộ Quốc phòng và 43 trường Cao đẳng, Đại học/Học viện trên cả nước tham gia Vòng chung kết.

Bà Trần Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi cho biết: Sau 5 lần tổ chức, Cuộc thi ngày càng thu hút đông đảo số lượng người tham gia, lượng đã biến thành chất, sức thu hút, sự lan tỏa giá trị, ý nghĩa của Cuộc thi.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phát động từ năm 2019. Năm 2024 là năm thứ năm, Cuộc thi được tổ chức toàn quốc và được triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương, các trường Đại học/Học viện, cơ sở giáo dục trên cả nước.

trao-thuong-1729759449.jpg
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, tín hiệu vui từ cuộc thi năm nay là lượng thí sinh tham gia dự thi đông hơn, minh chứng sức lan tỏa và sự quan tâm đón nhận của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà trường, gia đình và các em học sinh, sinh viên đối với Cuộc thi Văn hóa đọc

Theo Thứ trưởng, tín hiệu vui từ cuộc thi năm nay là lượng thí sinh tham gia dự thi đông hơn, minh chứng sức lan tỏa và sự quan tâm đón nhận của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà trường, gia đình và các em học sinh, sinh viên đối với Cuộc thi Văn hóa đọc. Sự nhiệt tình tham gia dự thi của đông đảo học sinh, sinh viên trên khắp cả nước, trong đó có cả những thí sinh khiếm thị, khuyết tật; hay việc triển khai cuộc thi sớm ở một số tỉnh/thành; những đơn vị có số lượng bài dự thi đông, đạt chất lượng cao. Điều đó chứng tỏ nhiều người trẻ đã có nhận thức đúng và quan tâm sâu sắc đến văn hóa đọc, nhiều em dự thi mong muốn trở thành những đại sứ có thể chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm đọc sách bổ ích, hiệu quả và giới thiệu những nhân vật, cuốn sách hay đã truyền cảm hứng hướng các em tới lối sống tích cực, làm thay đổi nhận thức của chính mình, có trách nhiệm với xã hội, góp phần hình thành một cộng đồng văn hóa đọc phát triển.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy biểu dương gần 1,7 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã tham gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024; chúc mừng các thí sinh, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều nỗ lực trong triển khai cuộc thi và đạt kết quả xuất sắc tại Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn rằng mỗi tập thể, cá nhân được vinh danh sẽ là những ngọn lửa cùng thắp sáng và lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc, để ý nghĩa Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ dừng ở buổi Lễ hôm nay mà sẽ là động lực để khích lệ, động viên ngày càng nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân đồng hành, chung tay góp sức phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Để hiệu ứng của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng, Thứ trưởng đề nghị: Vụ Thư viện - với vai trò là cơ quan thường trực tiếp tục tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, nâng cao chất lượng Cuộc thi, đổi mới về hình thức, nội dung ngày càng phong phú và đột phá hơn, mở rộng đối tượng tham gia Cuộc thi để mọi người có điều kiện thể hiện tư duy, năng lực của bản thân về sách và văn hóa đọc, góp phần xây dựng phong trào đọc ngày càng rộng rãi, thiết thực, hiệu quả hơn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác tổ chức Vòng sơ khảo, có kế hoạch tổ chức cụ thể, hiệu quả, triển khai đúng tiến độ, chất lượng ngày càng được nâng lên; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa với ngành Giáo dục, nghiên cứu kỹ hướng dẫn, thể lệ tổ chức triển khai Cuộc thi phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để Cuộc thi thực sự trở thành sân chơi bổ ích, được lan tỏa rộng rãi và trở thành một hoạt động thường xuyên; đẩy mạnh truyền thông để đông đảo Nhân dân tham gia, khuyến khích, huy động được đông đảo các đơn vị đồng hành hỗ trợ, tài trợ cho Cuộc thi.

Các đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu và các cá nhân đạt giải thưởng cần nâng cao chất lượng, hình ảnh, trách nhiệm của mình, tiếp tục phát huy khả năng, truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng.

Kết quả, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao các giải tập thể; 04 giải Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu, 08 giải nhất, 16 giải nhì, 32 giải ba, 64 giải khuyến khích và giải Chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất.

H.A