Tham dự cuộc Tọa đàm có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, ông Cao Huy Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông báo Tuổi trẻ, cùng đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như và nhà văn Trang Hạ. Bà Laurence Fischer - Đại sứ Thể thao (Bộ Ngoại giao Pháp) tham dự theo hình thức trực tuyến.
Các diễn giả tại cuộc Tọa đàm
Tại Tọa đàm, khán giả đã được nghe cầu thủ Huỳnh Như chia sẻ câu chuyện của bản thân với hành trình cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Huỳnh Như được biết đến là nữ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam chơi ở vị trí tiền đạo. Cô hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ bóng đá nữ thành phố Hồ Chí Minh và giữ chức đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Ngay từ nhỏ, Huỳnh Như đã sớm thể hiện năng khiếu cũng như niềm đam mê của mình với bộ môn bóng đá. Huỳnh Như đã đạt giải thưởng “Quả bóng Vàng” nữ Việt Nam trong 4 năm, trong đó có 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021. Với vị trí đội trưởng, Huỳnh Như đã cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết ASIAN CUP 2022 và gần đây nhất là thành tích lần đầu tiên giành vé tham dự FIFA World Cup 2023 tại Australia.
Sau khi nghe câu chuyện của Huỳnh Như, các diễn giả đã thảo luận về chủ đề “phụ nữ và thể thao” xoanh quanh các vấn đề như: Thành công của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam có những tác động tích cực như thế nào đối với các bạn trẻ? Liệu sẽ có nhiều cô gái muốn trở thành vận động viên? Nhìn nhận của gia đình đối với các nữ vận động viên như thế nào? Thể thao trình độ cao có phải là một nghề không? Thể thao dành cho nữ và thể thao dành cho nam được đối xử có gì khác biệt? Chúng ta có thể làm gì để khuyến khích phụ nữ tham gia thể thao?
Huỳnh Như chia sẻ câu chuyện của bản thân trở thành cầu thủ bóng đá
Các diễn giả cũng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến có ít phụ nữ tham gia thể thao cùng các khuyến nghị và kế hoạch hành động vì bình đẳng giới.
Tham gia Tọa đàm bằng hình thức trực tuyến, bà Laurence Fischer cũng chia sẻ, nhờ có sự khuyến khích của gia đình mà bà đã học karate từ khi mới 12 tuổi. Sự nghiệp quốc tế của bà kéo dài từ năm 1995 đến năm 2006 và bà giành được danh hiệu thế giới đầu tiên vào năm 1998, sau đó là danh hiệu châu Âu đầu tiên vào năm 1999. Laurence Fischer đã giành được nhiều huy chương vàng karate cấp quốc gia, châu lục và thế giới. Bà đã 3 lần vô địch karate thế giới, trong đó có 2 giải cá nhân và 1 giải đồng đội. Tháng 7/2019, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ thể thao của Bộ Ngoại giao Pháp.
Với vai trò là diễn giả, ông Cao Huy Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông báo Tuổi trẻ - và nhà văn Trang Hạ - người được được tạp chí Forbes bầu chọn 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội nhất Việt Nam năm 2017, người Việt Nam đầu tiên hoàn thành giải Boston Marathon danh giá 2018, tham dự các cuộc đua đường trường và thi đấu 5 môn phối hợp Taiwan Discovery - đã kể những câu chuyện về nữ giới với thể thao ở Việt Nam bằng những câu chuyện hết sức thú vị, đó không phải là chuyện của thắng thua trong thể thao, mà là chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - nói: “Thể thao dạy cho phụ nữ và trẻ em gái các giá trị của tinh thần đồng đội, tính tự lực. Thể thao cũng có tác động tích cực đối với sức khỏe, giáo dục và vươn tới những thành công trong cuộc sống. Các nữ vận động viên chuyên nghiệp góp phần thay đổi định kiến giới và cải thiện thái độ tích cực đối với hình ảnh của người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt, cống hiến và có khả năng làm chủ mọi lĩnh vực. Thể thao Việt Nam đã đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công và có nhiều tấm huy chương đầu tiên của một số môn thể thao là của các nữ vận động viên. Những môn thể thao có đông phụ nữ tham gia đã tạo ra hình ảnh đẹp và là tấm gương lan tỏa trong công động…”.
Bà Lê Thị Hoàng Yến là nữ Phó Tổng cục trưởng đầu tiên trong lịch sử của ngành Thể dục thể thao Việt Nam. Trước khi được bổ nhiệm năm 2016, bà là Tổng biên tập Tạp chí Thể thao. Bà phụ trách công tác thông tin, truyền thông và đối ngoại của Tổng cục Thể dục thể thao. Bà cũng là Trưởng ban Phụ nữ thể thao - Ủy ban Olympic Việt Nam. Trong hoạt động của mình, bà tham gia các hoạt động thể thao phong trào sôi nổi, là trưởng nhóm và thành viên nhiều câu lạc bộ như: CLB nữ như Xe đạp Bike plus, CLB Quần vợt Lavender, CLB Yoga, CLB chạy đường dài...
Tại cuộc Tọa đàm bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam - đưa ra khuyến nghị: Các nhà quản lý thể thao Việt Nam cần lập các kế hoạch hành động về bình đẳng giới nêu bật những lợi ích rộng lớn hơn của thể thao. Thiết lập các cơ chế để khuyến khích tất cả trẻ em gái và phụ nữ luyện tập thể dục và chơi các môn thể thao. Thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc/học tập, cuộc sống gia đình và thể thao. Đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng vào cơ sở vật chất bao gồm địa điểm, trang thiết bị, quần áo tập luyện và thi đấu. Theo dõi và đánh giá các tiến bộ và các rào cản đối với bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao.
Bên cạnh đó, còn có các khía cạnh xã hội và kinh tế của thể thao như: bất bình đẳng giới trên thị trường lao động nổi bật hơn trong thể thao. Có nhiều dữ liệu về chênh lệch lương theo giới trong thể thao, bao gồm thu nhập theo hợp đồng, tài trợ, quảng cáo và tiền thưởng của vận động viên. Cần có các chính sách thúc đẩy hợp đồng lao động bình đẳng và đảm bảo rằng Luật Lao động được áp dụng. Đảm bảo cơ hội bình đẳng cho các vận động viên nữ và quy trình tuyển dụng, thiết lập các quy trình để giảm bất bình đẳng kinh tế, thúc đẩy đối thoại xã hội và hỗ trợ pháp lý và hành chính. Tăng cường nghiên cứu về vấn đề phân biệt đối xử lao động trong thể thao và thiết lập các hệ thống giám sát liên quan.
Kết thúc cuộc Tọa đàm, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: Tất cả các cơ quan hữu quan phải lồng ghép quan điểm giới vào hành động của mình. Các tổ chức thể thao phải dành ngân sách cho bình đẳng giới và trao quyền cho vận động viên nhiều hơn nữa. Giám sát và đánh giá, nghiên cứu chính sách để đảm bảo rằng, chính sách đó vẫn được cập nhật và phù hợp với mục đích. Cần giáo dục, giải thích tầm quan trọng của các chính sách bình đẳng giới. Hiện nay, các chính sách của nhà nước dành cho vận động viên nam và nữ đã tương đương nhau nhưng vì sự quan tâm của xã hội vẫn còn có sự chênh lệch nên công tác xã hội hóa thể thao vẫn còn chưa có sự bình đẳng giữa nam và nữ. Nhờ sự quan tâm của xã hội mà các trường Đại học hay các doanh nghiệp đã quan tâm tới lực lượng vận động viên nữ khi có các chính sách ưu tiên cho các vận động viên nữ đạt thành tích cao được nhận các suất học bổng hoặc được nhận vào làm việc bởi đây là nguồn nhân lực tốt, chăm chỉ và có tính kỷ luật cao cùng ý chí vươn lên trong cuộc sống”.
Duy Quang