Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.
Chính phủ đã có văn bản số 215/CP-KGVX ngày 16/4/2025 nhất trí với dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 05 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, về Giải thích từ ngữ (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2), một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn phạm vi hoạt động quảng cáo; chỉnh sửa thuật ngữ "hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam", thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo", làm rõ hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
UBTVQH đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh lý thuật ngữ "quảng cáo" bảo đảm khái quát cao hơn, rõ nghĩa, không bị lẫn với thông tin không phải quảng cáo (như thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị), phù hợp với sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay.
Đối với thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo", dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng điều chỉnh 02 loại đối tượng: (i) người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên mạng; (ii) người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ. Bổ sung giải thích thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng", chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4), một số ý kiến cho rằng đang có sự chồng lấn trách nhiệm của một số bộ; một số ý kiến khác cho rằng cách quy định cụ thể này không bao quát được hết nhiệm vụ của các bộ, ngành; một số ý kiến góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của các bộ; đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 01 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời, giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Về Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), một số ý kiến cho rằng Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15a gồm 03 khoản như sau: (i) Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; (ii) Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; (iii) Khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Về Quảng cáo trên báo in (khoản 13 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 21), một số ý kiến đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định Luật hiện hành.
Hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh, do vậy, để hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính, đủ nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài, UBTVQH đồng tình với dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).

Về Quảng cáo trên báo nói, báo hình (khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22), một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền như Luật hiện hành là 5%.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 để bảo đảm quyền lợi của người xem khi đã phải trả phí.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim trên Đài Truyền hình Việt Nam vào giờ vàng.
Theo pháp luật về điện ảnh, phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Để hỗ trợ việc tạo nguồn thu, bảo đảm kinh phí cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng, phục vụ người xem của Đài Truyền hình Việt Nam trong bối cảnh quảng cáo trên truyền hình đang có xu hướng sụt giảm và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý tại Luật Điện ảnh, dự thảo Luật xin giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý nội dung này như trong dự thảo Luật.

Về Quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), có ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Có ý kiến cho rằng cần dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn về việc tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây, có ý kiến đề nghị có tính năng để người dùng được lựa chọn xem hoặc không xem quảng cáo.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết: Việc chỉnh lý thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo là cần thiết. Để bảo vệ quyền lợi của người xem và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hoạt động quảng cáo, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định về nguyên tắc đối với yêu cầu có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết để người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ và từ chối xem nội dung quảng cáo nếu không phù hợp.
Đối với những quy định cụ thể về "tắt quảng cáo", để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, theo đó: (i) đối với quảng cáo dưới dạng hình ảnh tĩnh, không quy định thời gian chờ tắt quảng cáo; (ii) đối với quảng cáo dưới dạng chuỗi hình ảnh chuyển động, video, thời gian chờ tắt quảng cáo tối đa là 06 giây.
Về Quảng cáo rao vặt có ý kiến đề nghị bổ sung, hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, trong đó xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quảng cáo rao vặt trong nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời (khoản 1 Điều 37), đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với hoạt động quảng cáo rao vặt trên địa bàn trong văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Về việc bảo đảm tính thống nhất của Luật Quảng cáo với các luật liên quan, một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với các luật hiện hành như Luật Hóa chất, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Thương mại và các luật khác có liên quan.
UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý những quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, qua rà soát, UBTVQH nhận thấy, các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 đã bao trùm nội dung về quảng cáo thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 (mục 2 Chương IV Luật Thương mại năm 2005).
Trên cơ sở sự thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công thương), UBTVQH đã bổ sung nội dung bãi bỏ quy định về quảng cáo thương mại trong Luật Thương mại tại Điều 2 để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo.