Thông cáo Báo chí số 07 Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV

Ngày 29/5/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

39-1685406265.jpeg
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, ngày 29/5/2023.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem video clip về kết quả giám sát. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại phiên thảo luận đã có 45 đại biểu phát biểu. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát là thiết thực, kịp thời, hiệu quả, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đoàn giám sát cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền cấp ủy địa phương các cấp trong việc thực hiện giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.

Các ý kiến phát biểu của đại biểu cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết, đồng thời phân tích làm sâu sắc thêm nhiều nội dung cụ thể về tình hình, kết quả tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các giải pháp sắp tới cả về trước mắt và lâu dài. Quốc hội đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế, cơ sở y tế dự phòng thời gian vừa qua luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh, đóng góp rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Quốc hội khẳng định quyết tâm chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để đất nước ta chiến thắng đại dịch COVID-19. Sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng quốc tế. Cùng với sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong toàn dân, trong tất cả các tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức tôn giáo đã đóng góp rất quan trọng vào ý nghĩa thành công của đại dịch và coi đây là sự chiến thắng của toàn thể nhân dân ta.

Quốc hội tôn vinh, ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự đóng góp rất lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, trong đó nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình, thậm chí hy sinh xương máu và tính mạng vì sự nghiệp phòng, chống đại dịch, vì sức khỏe của Nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cả ở khâu xây dựng pháp luật lẫn khâu tổ chức thực hiện. Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, làm rõ hơn trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế và thống nhất cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng cơ bản thể hiện sự nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện cụ thể và trực tiếp vào các nội dung cụ thể của nghị quyết, đánh giá thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm, giải pháp và giao trách nhiệm cho các cơ quan để tổ chức thực hiện với thời hạn, lộ trình, bước đi và yêu cầu cụ thể đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, cả xây và chống, tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm công minh, đúng pháp luật, phù hợp với bối cảnh thực tế cả trong lĩnh vực huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 và cả trong lĩnh vực chính sách đối với pháp luật y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ ba, ngày 30/5/2023: Sáng (truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này; Quốc hội thảo luận về Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Q.H