Tập trung vào những khâu đột phá trong phát triển thị trường khoa học công nghệ

Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

khcn-1-1687175336.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhập là vấn đề lớn, mới nên cần nghiên cứu kỹ, có cách tiếp cận mới; “khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản nhưng không đúng địa chỉ, không trúng nguyên nhân, khó thực hiện”.

“Thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác, theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đặc biệt với giá trị sáng tạo không lượng hóa hay đo đếm được. Vì vậy, cần tập trung vào những khâu, vấn đề đột phá, khắc phục tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thị trường này”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất phải tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy nhu cầu đổi mới, làm chủ công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận của doanh nghiệp.

Theo đó, nguồn lực Nhà nước cần có sự đầu tư đầy đủ và bài bản về hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế với những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, giải quyết các bài toán mang tính chất đột phá về công nghệ lõi, nhiên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, dược sinh hóa, lượng tử…

Chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập phải đủ hấp dẫn để thu hút và phát triển các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong nước, quốc tế; làm tốt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ cần đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chính sách tài chính dành cho các đơn vị này cần được thay đổi từ phương thức chi thường xuyên, sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có cạnh tranh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới công tác quản lý ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, ngoài phần chi sự nghiệp thường xuyên cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực cơ bản, phần còn lại cần được quản lý theo mô hình quỹ đầu tư phát triển. Quỹ này hoạt động với cơ chế linh hoạt, dựa vào mục tiêu thay vì quy trình, có tính đến yếu tố rủi ro, thay thế cho cơ chế cấp phát, thanh quyết toán hàng năm.

Đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp là lực lượng chính, có cơ chế hỗ trợ, kích thích của Nhà nước để tăng nguồn cung thị trường khoa học và công nghệ. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn dành cho đổi mới khoa học và công nghệ cần linh hoạt. Trường hợp không sử dụng hết theo quy định sẽ đóng góp vào quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ quốc gia, để doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu đồng hành cùng nhau.

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như định giá sản phẩm khoa học và công nghệ từ các đề tài nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; phát triển sàn giao dịch khoa học và công nghệ...

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có 21 sàn giao dịch khoa học và công nghệ. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học công nghệ tăng bình quân 20,9%/năm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là 12,47%.

Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc cần được tháo gỡ; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa, thúc đẩy cung - cầu công nghệ, còn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Phần lớn kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lặng. Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Trong khi đó, năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất đánh giá một trong những nguyên nhân của những rào cản, khó khăn trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ là do nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, khơi thông nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học và công nghệ, từ đó thúc đẩy nhu cầu của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ...

TTXVN